Thị trường bất động sản những ngày đầu năm vẫn trong không khí nghỉ Tết khi cả chủ đầu tư và môi giới đều bận đi lễ chùa. Năm 2017 được dự báo khó khăn với phân khúc cao cấp khi quá nhiều dự án mở bán và giá đang ở mức cao.
Đi lễ vì sợ “ế hàng”
Dù qua rằm tháng giêng nhưng khi PV hẹn phỏng vấn chủ tịch của một công ty bất động sản lớn ở Hà Nội đều bị từ chối do ông bận đi lễ. Sau nhiều lần 'hẹn lên hẹn xuống' mới gặp được vị này tại trụ sở công ty dưới Hà Đông (Hà Nội). Sau thành công của nhiều dự án thương mại, năm 2016, công ty quay lại thị trường với dự án giá trên 20 triệu đồng/m2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) và sắp triển khai thêm dự án tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Thị trường bất động sản đang lo bội thực căn hộ cao cấp và nghỉ dưỡng
Đang ngồi tiếp chuyện với PV nhưng chốc chốc, điện thoại của vị chủ tịch lại rung lên. Vừa dừng cuộc điện thoại, chủ tịch xuê xoa: “Có ông bạn học cùng Đại học Kiến trúc giờ cũng làm chủ doanh nghiệp bất động sản rủ đi lễ đầu năm vào cuối tuần”.
Hỏi ra mới biết, từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, ông đã đi lễ hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ trên khắp các tỉnh miền Bắc. “Làm kinh doanh lĩnh vực đất đai nên chúng tôi rất chú trọng tâm linh. Tôi hợp Mẫu nên năm nào cũng đi đền mẫu Hoa Dương ở Hưng Yên cầu xin may mắn trong làm ăn. Năm 2016, việc mở bán dự án ở Hoàng Mai thành công dù dự án nằm ở vị trí không được đẹp”, vị chủ tịch chia sẻ.
Một giám đốc kinh doanh của dự án lớn hàng nghìn căn hộ tại Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong cuộc cà phê đầu năm cũng chia sẻ: “Năm 2016 công ty khốn khổ khi triển khai dự án dính đến phần mộ khiến dự án bị đình chỉ và gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục. Thời điểm đó, công ty thuê thầy cúng và mất khoảng nửa năm mới yên được. Năm nay, dù không ai bảo ai nhưng từ lãnh đạo cho đến cấp trưởng phòng đều đi lễ nhiều hơn các năm trước. Người ở Hà Nội thì đi lễ Phủ Tây Hồ, ở Hà Tĩnh đi đền ông Hoàng Ba, Hưng Yên đi đền mẫu…”.
Vị này cho biết thêm, đầu năm 2017 công ty đủ điều kiện mở bán. Tuy nhiên, vị này cũng lo lắng bởi năm nay nhiều dự án cao cấp bung hàng và tín dụng thắt khiến thị trường khó khăn.
Còn tại Tập đoàn Cengroup, đơn vị phân phối nhiều dự án trên cả nước cứ đến cuối tuần tổ chức cho từng đoàn đi lễ tại Chùa Hương (Hà Nội). Nguyễn Hoa, nhân viên môi giới của Cengroup cho hay: “Hiếm có khách xuống tiền vào tháng giêng nên những ngày này, ngoài đi lễ chùa do công ty tổ chức, chúng tôi tự tổ chức đi với nhau. Mặc dù có đưa đến dự án tư vấn cho khách nhưng từ hôm ra tết đến giờ chưa chốt được căn nào”.
Cảnh báo bội thực phân khúc cao cấp
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam phân tích, thị trường bất động sản trong năm 2016 ghi nhận sự bùng nổ nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp. Sang năm 2017, nguồn cung này vẫn chưa dừng lại. Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì 70% nhu cầu của thị trường lại tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Ông Hà cho rằng, hiện phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu/m2 đang khá hiếm trên thị trường.
“Biên độ lợi nhuận không cao là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với các dự án nhà bình dân. Thị trường ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của giới đầu cơ, đầu tư thứ cấp. Đây là điều đáng lo ngại cho thị trường năm 2017”, ông Hà nói.
Theo số liệu khảo sát của Hội Môi giới Việt Nam đầu năm 2017, hiện có đến 50% hoặc thậm chí nhiều hơn khoảng 70-80% là tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Nguồn cung thứ cấp bung ra ồ ạt, nguồn cung sơ cấp liên tục tăng là nguyên nhân khiến bất động sản dễ rơi vào thực trạng thừa cung.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM dự báo, thị trường bất động sản 2017 vẫn trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể chững lại so với năm 2016. Đồng thời, thị trường bất động sản đến năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu đang tập trung quá nhiều vào phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay. Như vậy, sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản bình dân, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình.
Ông Châu cũng cho biết thêm, trong năm 2017 chúng ta phải tính đến khả năng có tích tụ bong bóng, đặc biệt là trong phân khúc cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng bởi đây là hai mảng hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư. Hiện tượng tích tụ bong bóng có khả năng sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2017. Có 3 dấu hiệu để nhận biết tình trạng này là tất cả nguồn vốn đều dồn về bất động sản; hiện tượng tăng giá đồng loạt trên toàn thị trường; và đặc biệt là quá trình tăng giá có gia tốc.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nợ xấu bất động sản của TPHCM trong năm 2016 chỉ khoảng 2,6%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bất động sản 3,93% của cả nước. Đáng quan tâm là, dư nợ vay tiêu dùng toàn thành phố với lãi suất khoảng 10%/năm, được tín chấp, hoặc có tài sản bảo đảm khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, trong đó có hơn 70.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 38%) được cho vay để xây nhà, sửa chữa nhà. Khoản vay này theo các chuyên gia cần được giám sát chặt vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư bất động sản...