TP Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, với diện tích hơn 5 nghìn héc-ta, dân số trên 16 vạn người, có 9 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 2 xã. Ngày 29/12/1899 Vĩnh Yên được thành lập là trung tâm tỉnh lỵ, từ tháng 3/1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX về việc chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Vĩnh Yên trở lại là trung tâm của Vĩnh Phúc từ ngày 01/01/1997. Năm 2004 Vĩnh Yên được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và công nhận là đô thị loại III, năm 2006 là TP trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2014 Vĩnh Yên vinh dự được công nhận là đô thị loại II. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân TP, đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Yên.
Các khu đô thị hình thành mang lại cho Vĩnh Yên một diện mạo mới.
Quay ngược thời gian về thời điểm 20 năm trước; Vĩnh Yên khi đó mới trở lại là trung tâm tỉnh lỵ của Vĩnh Phúc, lúc đó thị xã Vĩnh Yên với gần 3 nghìn héc-ta, hơn 3,2 vạn dân có cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế nghèo nàn, các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa phát triển. Đặc biệt là khó khăn về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đã kìm hãm sự phát triển của đô thị Vĩnh Yên.
Đến nay, với quyết tâm xây dựng Vĩnh Yên trở thành đô thị hiện đại, văn minh. Đặc biệt, sau khi trở thành đô thị loại II, để xứng tầm vị thế này, TP đã phát huy nội lực, đầu tư phát triển đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tạo sức mạnh lan tỏa tới các địa phương khác. Các cấp, các ngành đã tích cực đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế đề ra, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người dân TP.
Trong những năm gần đây, bộ mặt đô thị Vĩnh Yên ngày càng khang trang và có nhiều khởi sắc. TP luôn gắn phát triển kinh tế đi đôi với phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP duy trì mức phát triển nhanh, vững chắc, qua đó tạo tiền đề quan trọng xây dựng kết cấu hạ tầng cho đô thị Vĩnh Yên. Những năm 1996 - 1997 cơ cấu kinh tế của Vĩnh Yên chủ yếu là nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp nhỏ bé, lạc hậu (công nghiệp chiếm 35,5%, dịch vụ 37% và nông nghiệp chiếm 27,1%); Năm 2006, công nghiệp chiếm 57,23%, dịch vụ 40,04%, nông nghiệp 2,73%. Đến năm 2016, kinh tế Vĩnh Yên đã có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế từng bước phù hợp với yêu cầu của một đô thị trẻ: Ngành dịch vụ chiếm 57,6% (mục tiêu 63 - 64%), công nghiệp ước chiếm 41,2% (mục tiêu là 35 - 36%), nông nghiệp chiếm 1,2% (mục tiêu dưới 1%). Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng từ 131 USD/người (năm 1996), lên 988 USD (năm 2006), 2.926 USD/người (năm 2010) và tăng lên trên 4.900 USD vào năm 2016. Thu ngân sách tăng cao, năm 1996 chỉ đạt 4,1 tỷ đồng, năm 2006 đạt 116,821 tỷ đồng đến năm 2016 đạt cao trên 2.400 tỷ đồng. Nét nổi bật của Vĩnh Yên là một đơn vị duy trì tốt lĩnh vực thu ngân sách, quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có bước phát triển vượt bậc, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh, bức xúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với mục tiêu xây dựng một TP văn minh, hiện đại, ngay từ ngày tái lập tỉnh, Vĩnh Yên đã xác định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trong sự phát triển đô thị của Vĩnh Phúc trong tương lai. Chính vì vậy, những năm qua Đảng bộ, chính quyền TP thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Yên. Trong đó, xác định công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiến thiết đô thị, hoàn thiện hạ tầng đô thị, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chỉnh trang diện mạo đô thị. Việc nâng cấp, xây dựng mới hệ thống hạ tầng đô thị huy động được sự đầu tư của toàn xã hội và các thành phần kinh tế. Hàng trăm ki-lô-mét đường thảm nhựa được mở vào các khu, cụm điểm công nghiệp, khu thương mại - du lịch, dịch vụ, các khu dân cư; đường ngõ, phố, đường ven đô được cứng hóa và rực rỡ đèn điện khi về đêm. Các tuyến phố chính vỉa hè đã được lát đá, các công trình văn hóa thể thao, nơi vui chơi giải trí, công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế… được xây dựng khang trang, hiện đại xen với hệ thống cây xanh và mặt nước Đầm Vạc đã tạo cho TP Vĩnh Yên một hạ tầng cơ sở kỹ thuật thuận lợi, hấp dẫn. Đặc biệt là năm 2015 TP đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Vĩnh Yên trở thành đô thị loại II, tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Yên theo hướng văn minh, hiện đại. TP đã triển khai thực hiện các quy hoạch đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ; triển khai các dự án tạo điểm nhấn cho đô thị theo hướng đô thị xanh phát triển bền vững như: Công viên quảng trường, nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, cung thiếu nhi, đài phun nước, khu Sông Hồng Thủ Đô, cải tạo Đầm Vạc… Tiêu biểu trong đó là: Công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 26,2ha, được đầu tư xây dựng tại P.Khai Quang, TP Vĩnh Yên. Công trình nằm trong tổng thể kết nối nhiều công trình văn hóa thể thao khác nhau như Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc và Đài tưởng niệm. Đặc biệt, trong hệ thống công viên quảng trường có hồ nước với diện tích hơn 6ha. Tại vị trí giữa hồ có sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật. Xung quanh hồ nước được thiết kế các đường dạo chạy vòng quanh và hệ thống thảm cỏ, cây xanh, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho khu vực công viên quảng trường. Đây là điểm nhấn trước cửa ngõ vào trung tâm TP Vĩnh Yên, đầu mối giao thông đối ngoại, tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một không gian xanh trong lòng đô thị Vĩnh Yên. Bên cạnh đó, TP còn có Đầm Vạc, nằm ở giữa trung tâm TP Vĩnh Yên, có 23 nhánh chính tạo ra những hồ, lạch nhỏ có chu vi 14km2, chiều rộng trung bình 1km, diện tích mặt nước rộng gần 500ha. Khu vực Đầm Vạc luôn là không gian xanh, điều hòa quan trọng của TP và là điểm du lịch hấp dẫn. Theo quy hoạch, khu vực sẽ được bố trí công trình thương mại - văn phòng, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà ở nghỉ dưỡng, sân golf, công viên tổng hợp…, tạo thành cụm công trình thu hút sự tập trung của con người, trở thành đầu mối du lịch của đô thị. Dọc hồ sẽ xây dựng công viên, quảng trường, đảm bảo tầm nhìn ra hồ, nhìn ra dãy núi Tam Đảo từ phía Nam của hồ. Đường dạo ven mặt nước sẽ được xây dựng, kết nối với trục tâm linh, đường cây xanh. Đây sẽ là không gian công cộng dành cho người đi bộ, đi xe đạp… Hiện nay, khu vực Đầm Vạc đã được kè bờ, cải tạo chất lượng một số ao, hồ thuộc khu vực nhằm khôi phục lại cảnh quan và giải quyết tình trạng ô nhiễm, góp phần làm nên một TP xanh, thân thiện với môi trường… Ngoài những điểm nhấn đô thị nói trên, TP Vĩnh Yên còn được nhận diện qua một số công trình quen thuộc, hấp dẫn khác như Bảo tàng Vĩnh Phúc, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Hà Tiên…
Song song với phát triển theo hướng đô thị xanh, TP Vĩnh Yên cũng đang được xây dựng theo hướng đô thị thông minh. Vĩnh Yên tập trung mọi nguồn vốn, tranh thủ thu hút đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí loại I vào năm 2020 mà trọng tâm là đầu tư xây dựng phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành các hoạt động của TP Vĩnh Yên thông minh trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu xây dựng Vĩnh Yên trở thành đô thị loại I vào năm 2020, thời gian tới, Vĩnh Yên cần tập trung phát triển kinh tế toàn diện về quy mô chất lượng, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đầu tư phát triển đồng bộ không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội; làm tốt công tác chỉnh trang đô thị đi đôi với hoàn thiện hạ tầng trật tự đô thị.
Với những nỗ lực và quyết tâm trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tin tưởng rằng trong tương lai, Vĩnh Yên sẽ trở thành TP sinh thái, TP dịch vụ, du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.