Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 31,6ha thuộc phường Tô Hiệu và phường Chiềng Lề, TP.Sơn La (tỉnh Sơn La). Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại năm 2014.
Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch (không bao gồm 2 điểm di tích độc lập là Cây đa bản Hẹo và Mó nước) được xác định như sau: Phía Bắc giáp đường 26 tháng 8; phía Nam giáp đường Điện Biên (QL6); phía Tây giáp đường Điện Biên (QL6) và khu đồi núi bao quanh nghĩa trang liệt sĩ Sơn La và phía Đông giáp đường Tô Hiệu, TP Sơn La.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, để di tích trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam.
Xây dựng khu vực đồi Khau Cả thành công viên lịch sử - văn hóa hấp dẫn gắn với các giá trị của di tích và giá trị văn hóa truyền thống Tây Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo khu di tích: Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích và kiến nghị điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ di tích; khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng và khu vực xây dựng mới.
Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Nguyên tắc chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Định hướng tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích; định hướng phát triển đô thị, dân cư nông thôn trong vùng di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.