Hè đến là lúc trẻ em được nghỉ học và vui chơi, nhưng cả một kỳ nghỉ dài cho con chơi ở đâu và khu vui chơi đó như thế nào? Có bảo đảm an toàn cho các bạn nhỏ không thì lại là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh. Dạo quanh một loạt các khu đô thị (KĐT) mới từ Hà Đông cho đến Mỹ Đình, hầu hết đều chưa có một KĐT nào có khu vui chơi cho trẻ em đúng nghĩa.
Hầu hết các khu đô thị được khảo sát đều không có khu vui chơi tại chỗ đúng nghĩa dành cho trẻ em.
Thiếu và cũ
Khảo sát tại một số khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân Bắc, Thành Công, Trung Tự, Kim Liên…, mặc dù hầu hết đều có sân chơi chung, song phần lớn diện tích này đã bị sử dụng sai mục đích, hoặc đã quá cũ hay hỏng hóc. Những khu đô thị mới thì thiếu khu vui chơi một cách đúng nghĩa. Điểm dễ nhận thấy là tình trạng sử dụng sân chơi chung làm điểm trông giữ xe, bán hàng, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng… diễn ra khá phổ biến, khiến người già mất chỗ tập thể dục, trẻ em không còn chỗ chơi. Đây chính là nguyên nhân khiến không ít trẻ thường xuyên tràn xuống lòng đường, vỉa hè để đá bóng, tập xe đạp, chơi cầu lông… gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Chị Hoàng Thị Việt Hà ở KTT Thanh Xuân Bắc chia sẻ, nhiều năm nay, tại các khu tập thể cũ, một số cá nhân tự ý biến diện tích sử dụng chung thành của riêng. Họ bán hàng, nấu nướng trong sân tập thể, xả rác, để xe bừa bãi… gây mất an ninh trật tự, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chị Bùi Thu Hằng, làm việc tại một cơ quan nhà nước phàn nàn: “Khổ nhất là bọn trẻ, nghỉ hè chỉ quanh quẩn trong mấy bức tường chật chội, xuống sân thì không có chỗ chơi, mà có chơi thì cũng thật nguy hiểm khi họ tận dụng đặt bếp nấu nướng, dựng xe cộ bừa bãi, nên trẻ em không thể vui chơi. Cũng vì thiếu sân chơi nên các cháu rất dễ sa đà vào trò chơi điện tử và những trò chơi nguy hiểm. Trong khi đó bố mẹ thì không thể nghỉ làm để trông con trong mấy tháng hè. Mà đưa con đến cơ quan cũng không xong”.
Không chỉ các khu tập thể cũ mà tại các chung cư mới, mặc dù khi bán nhà, chủ đầu tư luôn quảng cáo khá rầm rộ về các tiện ích đi kèm như khu sân vườn, nơi vui chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em. Tuy vậy, trên thực tế phần lớn diện tích này đang dần bị thu hẹp, thành nơi trông giữ xe ô tô, xe máy. Chẳng hạn như một khu đô thị mới ở Linh Đàm, với một hệ thống trên 10 toà nhà 40 tầng san sát, nhưng tuyệt nhiên không có một khu vui chơi nào cho trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Văn Đăng – người sống tại đây cho biết, sân chơi chung vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi cho trẻ em, tuy nhiên do mật độ xây dựng lớn, dân cư nhiều mà khu vui chơi cho trẻ không có nên phải đi rất xa mới có khu vui chơi cho trẻ.
Cần đầu tư mạnh khu vui chơi cho trẻ
Tại nhiều khu đô thị, chung cư và các công viên ở Hà Nội, dù đã có quy hoạch, thậm chí là xây dựng thêm các khu vui chơi nhưng đa phần các diện tích này lại đang bị bỏ phí hoặc chiếm dụng để phục vụ sai mục đích.
Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em tại rất nhiều khu dân cư, KĐT ở Hà Nội đang là vấn đề cần được giải quyết, để trả lại cho các em những diện tích, hạ tầng phục vụ nhu cầu vui chơi thiết yếu. Cụ thể như khu chung cư Thanh Xuân Bắc, Nam, Hà Nội, những chiếc đu quay đã cũ, hoen rỉ, sứt sẹo với thời gian.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó khu vực nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Với mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Theo thống kê, diện tích các công viên và vườn hoa trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08 m2/người (so với chỉ tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là 2,43 m2/người); thậm chí có những khu vực như quận Thanh Xuân con số này là 0%.
Có thực trạng trên là do sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư cũng như của các cơ quan quản lý trong việc giám sát xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới, đã làm ảnh hưởng đến quyền vui chơi của trẻ em.
“Thiếu chỗ để hoạt động vui chơi hằng ngày, các em nhỏ không chỉ kém phát triển về mặt thể chất, sức khỏe mà cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Khi phải ở trong nhà nhiều, các em dễ rơi vào nghiện game, sống ảo trên mạng, thiếu những kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng lao động sau này”, một chuyên gia tâm lý cho biết.
Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc phải nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vườn hoa, sân chơi khu dân cư trong quy hoạch đô thị. Nên có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, có thể huy động các nguồn từ xã hội hóa, hay các tổ chức xã hội phi lợi nhuận để cùng vào cuộc.
Để giải quyết tình trạng này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8826/UBND – XDGT gửi các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kiến nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thành phố cũng đã chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường, xã, thị trấn, với tổng diện tích 59 ha. Sau khi giải quyết nhu cầu còn thiếu đợt đầu cho 118 phường, xã, thị trấn nói trên, nhu cầu cần giải quyết giai đoạn sau sẽ là 334 phường, xã, thị trấn (thuộc 23 quận, huyện, thị xã), với tổng diện tích 167 ha.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý các sân chơi, vườn hoa, được chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Với chủ trương mới của thành phố, hy vọng nhu cầu về sân chơi cho trẻ em sẽ được giải quyết, các em nhỏ sẽ được trả lại những không gian vui chơi, giải trí thực sự lành mạnh để có thể phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần. Theo anh Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Cty TNHH Phong Cách Mới thì các khu dân cư cũ cần nâng cấp làm mới, mua sắm thêm các dụng cụ trò chơi để không bị lãng phí những sân chơi này. Nếu không đủ kinh phí để làm, có thể huy động các nguồn tài trợ, chúng tôi sẽ sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để lo cho con em có chỗ vui chơi.