Quy hoạch chung TP Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt năm 1993 và sau đó điều chỉnh năm 2005. Căn cứ quy hoạch chung được duyệt, TP đã tổ chức lập các quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500 làm cơ sở quản lý.
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, TP Vũng Tàu đã tổ chức đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung của đô thị. Sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, từ đô thị loại III, với cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, dân cư còn thưa thớt. Đến nay, Vũng Tàu đã trở thành đô thị loại I, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ; bộ mặt kiến trúc khang trang, nhiều công trình kiến trúc quy mô lớn.
TP Vũng Tàu có tiềm năng về kinh tế biển và các dịch vụ dầu khí. Ảnh: Mạnh Cường
Chấn chỉnh đô thị phát triển tự phát
Cũng giống như các đô thị khác của tỉnh BR-VT nói riêng và Việt Nam nói chung, đô thị của TP Vũng Tàu phát triển còn mang tính tự phát, chưa tuân thủ đúng theo quy hoạch đô thị được duyệt, đặc biệt là về không gian cảnh quan đô thị. Dẫn đến việc phát triển đô thị nhiều khu vực còn lộn xộn, manh mún, thiếu bản sắc.
Để khắc phục những tồn tại này, đồng thời để tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị Vũng Tàu theo đúng định hướng quy hoạch chung, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như Đại hội Đảng bộ TP Vũng Tàu lần thứ VI: “Xây dựng Vũng Tàu trở thành TP xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng”. Tỉnh BR-VT và TP Vũng Tàu đang tập trung thực hiện một số công việc như: Tổ chức chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai… Trong đó tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; tổ chức các đoàn giám sát, rà soát tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch, các dự án treo nhằm hủy bỏ và điều chỉnh kịp thời; xây dựng các chương trình, giải pháp hạn chế việc xây dựng sai phép, trái phép và dần đi tới chấm dứt hẳn tình trạng này.
Phát triển theo quy hoạch
Bên cạnh đó, TP còn tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, định hướng đến năm 2050; lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu 1/2000 các khu dân cư Nam, Bắc sân bay, Bắc Phước Thắng; khu du lịch Bãi Sau, Chí Linh – Cửa Lấp và khu Công viên văn hóa thể thao Bầu Trũng. Sau khi các quy hoạch này được duyệt (dự kiến quý I/2017), TP sẽ tổ chức xây dựng Quy chế quản lý, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư phát triển đô thị Vũng Tàu. Ngoài ra, TP cũng đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên hồ Bàu Sen, đường Thống Nhất mới và các tuyến đường trục ngang của TP làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trên cơ sở chương trình phát triển đô thị của tỉnh được duyệt, TP đang phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức lập chương trình phát triển đô thị Vũng Tàu đến năm 2020 và lập kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm.
Ngoài ra còn tổ chức đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm như nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; Công viên Bàu Sen; đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông chính có lộ giới từ 33 – 36m như: Đường Thống Nhất nối dài, đường Cầu Cháy, đường Hàng Điều (Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường này kết hợp với việc thu hồi đất 2 bên đường từ 50 – 100m để cải tạo chỉnh trang đô thị); chỉnh trang khu Bãi Sau; cải tạo chỉnh trang một số khu dân cư hiện hữu…
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển
Để thực hiện được khối lượng công việc như đã nêu trong thời gian ngắn, là nhiệm vụ hết sức nặng nề của lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo TP Vũng Tàu. Vấn đề làm sao có những cán bộ công chức đủ đức, đủ tài để đảm nhiệm công việc được giao; làm sao có nguồn vốn đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đô thị theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…
Xác định được khó khăn trên, lãnh đạo TP Vũng Tàu đang tập trung vào công tác cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực; đề xuất tỉnh, Trung ương các cơ chế về tài chính; đồng thời đang kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư phát triển đô thị Vũng Tàu.