Kiến trúc vì con người - Tôn vinh trách nhiệm xã hội

Kiến trúc vì con người - Tôn vinh trách nhiệm xã hội

Kiến trúc sư (KTS) người Áo Peter Borenz đã nhấn mạnh “Chúng ta thường suy nghĩ nhiều về nền tảng triết học nghề nghiệp của mình. Và tôi tin rằng, khi chúng ta quan tâm đến kiến trúc và sứ mạng xã hội, hay chủ nghĩa nhân văn trong kiến trúc - cũng đồng nghĩa với việc cần đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động thiết kế ”.

kiến trúc,xã hội, kiến trúc sư
Khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp Quinta Monroy (ChiLe) do KTS Alejandro Aravena thiết kế.

Vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay là đón nhận quá nhiều kiến trúc đã thuộc về quá khứ, chúng được thúc đẩy bởi trào lưu thương mại hóa. Và cũng may mắn thay cho Việt Nam khi chỉ trong năm 2016, thế giới tôn vinh các giá trị nhân bản và tư tưởng kiến trúc với trách nhiệm xã hội cho ba KTS Le Corbisier, Alejandro Aravena và KTS Việt Nam Hoàng Thúc Hào.

Tính nhị nguyên của văn hóa-kiến trúc

Giống như ở khắp nơi trên Trái đất - hôm qua cũng như hôm nay, và có lẽ cả sau này nữa, văn hoá và kiến trúc nằm trong một thể thống nhất, ít ra là về cơ bản. Không một hoạt động văn hoá nào, con người lại có thể diễn ra bên ngoài không gian sản xuất và không gian cư trú của người sản xuất văn hoá, những nơi chốn đó có thể gọi là cơ cấu hạ tầng của văn hoá. Hoạt động kiến trúc (từ tạo ra ý tưởng, thiết kế đến xây dựng và sử dụng) chính là nhằm tạo ra cấu trúc này. Ngược lại cũng đúng, không một hoạt động kiến trúc nào có thể tách khỏi môi trường văn hoá của nó. Trong mọi trường hợp, văn hoá (hay môi trường văn hoá) chính là cái nền của hoạt động kiến trúc. Như vậy, “kiến trúc vừa là yếu tố cấu thành môi trường văn hoá, như một bộ phận hợp thành của văn hoá, vừa là sản phẩm của văn hoá. Tiền đề lý luận của mối quan hệ văn hoá - kiến trúc ấy có lẽ không phải bàn cãi gì nhiều. Cái khó là tìm hiểu xem mối quan hệ ấy được thể hiện trong mỗi trường hợp cụ thể về không gian và thời gian như thế nào. Bởi vì, như chúng ta biết, văn hoá và kiến trúc bao giờ cũng mang những hình thái cụ thể ở những xã hội, những nền văn minh, những cộng đồng (tộc người, tôn giáo…), những khu vực (thành thị và nông thôn chẳng hạn), những quần thể hết sức khác nhau. Và trong lịch sử, tất cả những hình thái này đều có những quan hệ kế thừa, đan xen lẫn nhau, có khi rất khó tách bạch giữa cái chung (cái giống nhau) và cái riêng (cái khác nhau)” (Học giả Nguyễn Kiến Giang-Bàn về văn hóa trong kiến trúc).

Bối cảnh văn hóa kiến trúc thực sự thay đổi bởi toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc. “Thế giới và loài người luôn luôn sống trong tính phức hợp (La complexite), trong cái bấp bênh (L’incertain), cái bất định (L’indetermine)”. Như lời của Edgar Morin: “Thế giới của chúng ta đang trở thành một thế giới không thể đoán trước và của sự hỗn độn, tức là cái bấp bênh. Không những bấp bênh về kinh nghiệm, mà bấp bênh cả về nhận thức, vì những phạm trù tinh thần của chúng ta không thể nắm bắt được những hiện thực” (Cuốn Philosophe de l’incertain, Magasine litteraire, No. 312). Nhận thức kiến trúc của con người cũng mất thời gian dài ở trong “đêm tối và sương mù” (1967-1992), tương lai kiến trúc thế giới đã không thể tiên đoán được. May mắn đã mỉm cười khi sang TK 21, kiến trúc xác định lại sứ mạng xã hội, đã quay trở lại với nguồn gốc con người của kiến trúc. Chủ nghĩa nhân văn mới đã hiện hữu như một chiến lược nhận thức chung của loài người, của giới kiến trúc để ứng phó với cái bấp bênh và bất định của toàn cầu hóa, của sự cạn kiệt tài nguyên, của tiêu dùng quá độ và hủy diệt văn hóa.

Trong kiến trúc dường như đã rõ, chủ nghĩa công năng đã mang đến sự hứa hẹn về cuộc cách mạng môi trường sống, sự lập lại trật tự đô thị và ổn định, sự rõ ràng trong tổ chức cuộc sống. Nhưng nó đã không thực hiện được ý định tốt đẹp đó. (Con người đã tạo ra những thành phố mới khổng lồ, với tốc độ xây dựng đáng kinh ngạc (12 thành phố lên tới 25 triệu dân năm 2030 - dự báo của ngân hàng thế giới World Bank). Ở những thành phố đó chúng ta tưởng rằng có thể tổ chức cuộc sống hợp lý hơn sự thiếu trật tự ở các thành phố lịch sử đã cũ kỹ).

Trong “Luận cương về kiến trúc” nổi tiếng của mình, Le Corbusier đã viết: “Kiến trúc hay là Cách mạng” và ông đã đưa ra ý tưởng thiết kế thành phố vườn với các đường phố rộng và thẳng, các khối nhà dài 200m chìm trong cây xanh có thiết kế bên trong thật rõ ràng, hợp lý, đưa sinh hoạt đường phố vào những tòa nhà đó.

Ông vẽ một thành phố thuần nhất cào bằng quá khứ” (KTS Portzamparc - giải Pritzker 1994). Thật là lý thú biết bao khi nhìn điều đó từ thời điểm 1922. Nhưng cũng thật khủng khiếp nếu nhìn trong thực tiễn hiện nay, sau khi tất cả điều đó đã được thể nghiệm vào thực tế. Những complex nhà ở khổng lồ, cùng khuôn mẫu với những ngôi nhà dài 200m có mặt ở mọi nơi trên thế giới với thẩm mỹ của “phong cách quốc tế”, và ở khắp những nơi đó, con người đều gặp phải khó khăn như nhau trong việc định hướng và sinh sống, bởi kiến trúc chỉ thuận tiện với giao thông cơ giới. Chúng xa lạ với hầu hết lối sống bản địa mặc dù chúng to lớn, “trật tự” hơn, nhưng đánh mất sự giao tiếp, việc làm tại chỗ mà các con phố cũ đã tạo ra rất tốt. Sau hơn 30 năm, thực tế đã chỉ ra rằng không một đô thị mới nào lại tạo ra một môi trường sống có thể so sánh với môi trường của các thành phố cũ, được hình thành từ từ qua nhiều thế kỷ. Sự đánh mất văn hoá, tinh thần và nhân bản trong những thành phố suốt thế kỷ 20 đã tạo ra môi trường sống với những khuyết tật bẩm sinh - xa lạ với bản chất con người, sự hãnh tiến, tiêu thụ năng lượng thái quá, ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm cao, nhiều người nghèo đô thị hơn. Và không phải ngẫu nhiên mà đây đó người ta bắt đầu phá hủy các block nhà ở được xây dựng để lấy mặt bằng cho các ngôi nhà mới thấp tầng có thiên nhiên bao quanh, hoặc xây dựng những ngôi nhà sinh thái cao tầng. Kiến trúc đang tìm cách trở về cội nguồn văn hóa và con người.

Sự song trùng của ba giải thưởng lớn nhất về kiến trúc năm 2016

- KTS Le Corbusier

Sau khi đi tìm những giá trị chung về yếu tố đô thị của xã hội công nghiệp - dịch vụ trong thế kỷ 20, đã và đang tồn tại những phản ứng và cả sự thất vọng bởi “sự mầu nhiệm của kỹ thuật” và “sự mạo danh về tăng trưởng”, được coi là có thể giải quyết được mọi vấn đề của loài người. Sự ỷ lại vào kỹ thuật và tăng tốc xây dựng còn để lại môi trường kiến trúc đơn điệu, giống hệt nhau từ Đông sang Tây. Trong bối cảnh đó, thử tìm lại những vệt đi đã mờ của lịch sử để tìm lại lý tưởng cao đẹp của kiến trúc…

Khởi nguồn từ những năm 1930: Cũng chính từ “Luận cương về kiến trúc” nổi tiếng đó, Le Corbusier đã mở ra một vấn đề lớn, dai dẳng trong tâm thức kiến trúc (từ 85 năm qua): Kiến trúc với Sứ mạng xã hội, khẳng định: kiến trúc là sự biểu hiện bản chất thực sự của xã hội, là bộ mặt và là biểu hiện của bản chất các cá nhân. Dù gây nhiều tranh cãi, những năm 1930, với tầm nhìn về chính sách đô thị hóa vượt trội, ông đã đem lại một cái nhìn mới, một phong cách mới cho nghệ thuật kiến trúc và xây dựng thế giới. Sau thế chiến II, trước thách thức dân số thành thị tăng nhanh, và cần cải thiện điều kiện sống, vệ sinh cho các khu nhà tập thể, Le Corbusier là người đã thành công trong việc xây dựng ba triệu căn hộ cho tư nhân trong vỏn vẹn ba thập niên, với một tiêu chí: tạo không gian xã hội hài hòa, tiện nghi và bình đẳng cho tất cả mọi thành phần công dân, bằng cuộc cách mạng kiến trúc trong những khu nhà tập thể. Le Corbusier đã đưa ra phương thức xây dựng kiểu công nghiệp hóa các khu ở tập thể với năm nguyên tắc của chủ nghĩa công năng, với những cửa sổ mở rộng để đem ánh sáng và không khí vào căn hộ, bỏ các vách ngăn, đưa luôn tiện nghi hiện đại vào phòng bếp, buồng tắm. Đặc biệt, với lý thuyết “thành phố trong thành phố”, các thiết kế khu nhà tập thể có đầy đủ chức năng công cộng, như một thành phố thu nhỏ.

Mở đầu là khu Cité Radieuse, Marseille, ông không ngần ngại đặt dẫy căn hộ trái chiều, chỉ để có được nhiều ánh sáng hơn. Trường mẫu giáo, sân chơi được xây trên nóc. Các cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, khách sạn, hiệu ăn hàng quán, và kể cả một trung tâm dành cho sáng tác nghệ thuật, tất cả được thiết kế như cấu trúc phục vụ tại chỗ của tòa nhà. Khu Firminy, được thiết kế vào năm 1953 có một trung tâm văn hóa, sân vận động, bể bơi, nhà thờ. Le Corbusier đã để lại tổng cộng 17 công trình xây dựng, trong đó có 10 địa điểm được đặt trên đất Pháp, một ở Đức, Achentina, Bỉ, hai di sản ở Ấn Độ, hai di sản trên đất Thụy Sĩ, quê hương ông.
Ngày 17/7/2016, Tổ chức UNESCO chính thức công nhận 17 công trình xây dựng của kiến trúc sư Le Corbusier (1887-1965) thuộc Di sản thế giới. Trong đó, sứ mạng xã hội của KTS được vinh danh đã đem lại một cái nhìn mới trong nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XX và là cuộc cách mạng kiến trúc khi đáp ứng nhu cầu xây các khu tập thể cho đại chúng. Kiến trúc vì con người, vì nhân văn đã được vinh danh dẫn dắt tư tưởng kiến trúc suốt gần một thế kỷ.

kiến trúc,xã hội, kiến trúc sư
Khu nhà ở cao tầng Cité Radieuse (Marseille, Pháp) do KTS Le Corbusier thiết kế.

-KTS Alejandro Aravena

Sự bất ngờ từ giải kiến trúc Pritzker 2016: Ngày 13/1/2016, KTS Alejandro Aravena (Chile) trở thành chủ nhân giải thưởng. Lễ trao giải chính thức được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York vào ngày 04/4/2016. Alejandro Aravena đã đi tiên phong trong việc thực hành kiến trúc nhằm giải quyết những thách thức quan trọng của thế kỷ 21 khi mang lại cơ hội kinh tế cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, giảm nhẹ tác động của thiên tai, giảm tiêu thụ năng lượng, và cung cấp không gian công cộng. Sáng tạo và cảm hứng, Alejandro cho thấy cách thức tốt nhất mà kiến trúc có thể làm được là cải thiện cuộc sống của người dân. Ông cùng với công ty Elemental đã cho ra đời hơn 2.500 nhà ở giá rẻ, thậm chí cho phép người sử dụng tham gia hoàn thành chính ngôi nhà của mình.

Elemental là một công ty kiến trúc Chile thành lập năm 2001, mối quan tâm của họ chủ yếu là xung quanh các dự án của các dự án xã hội mà kiến trúc có thể tạo sự khác biệt mà. Alejandro Arevana là linh hồn, giám đốc điều hành. Có thể coi đây là sự thay đổi trong quan điểm kiến trúc thế giới bối cảnh hậu hiện đại, khi sự đòi hỏi thời đại về vai trò kiến trúc chuyển đổi ở bối cảnh rộng lớn hơn, về tính xã hội, chính trị và dân tộc để buộc phải có “cách thức khác để làm kiến trúc”.
Dự án điểm đầu tiên của họ là khu nhà ở Iquique (Chile) “nhà ở giá trị gia tăng” cho một trăm gia đình có thu nhập thấp. Một cố gắng chuyển đổi các khu ổ chuột họ đang sống và không chỉ biến đổi điều kiện sống khủng khiếp nơi đây, mà còn biến họ trở thành tầng lớp trung lưu, trong một khu dân cư đạt tiêu chuẩn do các giải pháp đa dạng giúp cho họ “sở hữu”, tăng giá trị nhà theo thời gian và giúp họ tạo thu nhập từ chính không gian sống của mình. Khác với các phương pháp tiếp cận kiến trúc thông thường là sản xuất một “sản phẩm kiến trúc”, Elemental thực sự cố gắng giải quyết những vấn đề sâu sắc hơn về chất lượng sống cho người nghèo gắn với sinh kế và sở hữu khi phát triển nhà ở xã hội khi tăng giá trị nhà và môi trường sống.

Chính sách nhà ở xã hội của Chile là bài học tốt cho tính hiệu quả, hỗ trợ nhà ở trực tiếp cho người dân (không hỗ trợ thị trường xây dựng); khuyến khích xã hội hóa, công, tư nhân và phi chính phủ để có được nguồn cung cấp nhà ở với chỉ 500 USD ban đầu và trả góp phần còn lại (6.000USD) cho bốn triệu người trong vài thập kỷ qua. Elemental, từ nguồn lực thị trường, đã phát triển lý thuyết và thực hành một loại hình kiến trúc cho phép mật độ cao, mở rộng hoạt động đồng thời tránh tình trạng quá tải dân số. Bằng những quan sát hiện trạng một cách tỉ mỉ, gắn kết dân cư vào môi trường sống một cách sáng tạo với các giải pháp kỹ thuật và vật liệu bản địa. Đặc biệt là họ rời bỏ cách chỉ ngồi máy vẽ, tìm về cộng đồng 100 gia đình để cùng bàn giải pháp qua rất nhiều cuộc thảo luận cộng đồng để thỏa thuận, hợp lý hóa đất đai, lắp máy nước nóng, tạo việc làm, năng lượng sạch, trường tiểu học, duy trì mạng lưới xã hội dân cư, tạo không gian cộng đồng và không gian tập thể, mời các đại học để nâng cao nhận thức và trách nhiệm người dân và để dân cư hoàn toàn định cư tại chỗ.

Để chứng minh tính khả thi của các dự án trong các tình huống khác, Elemental đã tổ chức một cuộc thi kiến trúc trên toàn thế giới, nhận được những đề nghị về nhà ở xã hội với các yếu tố gia tăng, và thực hiện các dự án đã đoạt giải trở thành hiện thực (có bảy dự án đoạt giải) đang thực hiện ở Uruguay, Chile, Venezuela, Mỹ, Tây Ban Nha và Netherlands với các điều kiện chính trị, địa lý, xã hội và ngân sách của mỗi nước. Các nhà thiết kế đoạt giải sẽ chịu trách nhiệm về những ý tưởng của họ và sử dụng kiến thức văn hóa của họ và mạng lưới xã hội của địa phương để phát triển các đề xuất gia tăng, cũng như đạt được các quỹ tương trợ tương ứng để khởi động các dự án. Elemental sau đó chịu trách nhiệm cho quá trình đấu thầu và xây dựng. Với sự thành công rất lớn của các dự án đó, Elemental thực sự đã chứng minh quan điểm kiến trúc vì xã hội, với số tiền không lớn, nhưng biết bước qua rào cản khi có sức mạnh tổng hợp của kiến trúc, sử dụng phương thức cộng đồng, sự phối hợp đa ngành, người dân tự xây dựng có thể tạo ra các kiến trúc xã hội to lớn, hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Chỉ có thể nói KTS Alejandro Aravena đã từ bỏ kiến trúc vị kiến trúc, để thăng hoa trong sáng tạo từ sự cộng cảm với người dân, với sự nan giải nhà ở người nghèo, với phát triển xã hội để làm nên Kiến trúc vì con người bản địa cũng là vinh danh trách nhiệm xã hội của kiến trúc, khởi nguồn từ Le Corbusier những năm 1930.

- KTS Hoàng Thúc Hào

Phong trào kiến trúc cộng đồng bắt đầu từ thập kỷ 80 thế kỷ 20 khẳng định các nhà quy hoạch, kiến trúc không thể bao quát tất cả các vấn đề khi phát triển nhà ở và công trình cộng đồng ở đô thị và nông thôn. Nhiều vấn đề nan giải nảy sinh khi môi trường sống bị hiện đại hóa: sự chia cắt xã hội, lấn chiếm, vệ sinh, giao thông, ô nhiễm, diện tích đất chưa khai thác và thịnh vượng chung… ngày càng căng thẳng tạo sức ép lên dân cư, đặc biệt ở tầng lớp lao động.

Trong đô thị hóa, các nhà đầu tư bất động sản và chính quyền thường khó duy trì được môi trường công cộng và xã hội do nó quá đắt và khó kiểm soát được cư dân mới đến. Dẫn đến gia tăng đáng kể các tệ nạn xã hội và sự lỏng lẻo trong liên kết cộng đồng. Theo cuốn “Cộng đồng kiến trúc - Làm thế nào người dân tạo môi trường riêng của mình”, cách tránh cho xã hội bị rối loạn hành vi và tội phạm bằng quản lý theo các cộng đồng tự quản. Sự thiết lập không gian cộng đồng vì thế trở nên cần thiết như một cấu trúc đơn vị cho đô thị thế kỷ 21.

Ở nông thôn, quá trình hiện đại hóa kéo theo công nghiệp hóa cách sản xuất. Sự trao đổi hàng hóa và tiêu dùng cũng làm thay đổi bản chất lối sống, văn hóa, xã hội truyền thống. Chưa kể dòng di dân vì việc làm và tìm kiếm cơ hội từ nông thôn ra đô thị luôn lấy đi những người trẻ và ưu tú nhất. Sự gắn kết và kiểm soát cộng đồng nông thôn cũng trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Không gian cộng đồng, không gian xã hội vì vậy trở nên cần thiết, oái ăm thay nông thôn lại là nơi có ít điều kiện và kinh phí nhất để thực hiện.

kiến trúc,xã hội, kiến trúc sư
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam).

KTS Hoàng Thúc Hào thành lập Công ty 1+1>2 từ những năm 2004, là KTS từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và Việt Nam, nổi tiếng không chỉ về kiến trúc bản địa hiện đại mà sâu xa hơn. Luôn khát vọng để làm kiến trúc ủng hộ cho cộng đồng, KTS Hoàng Thúc Hào quan tâm đến các vấn đề xã hội (các suy thoái trong kết nối cộng đồng ở nông thôn hiện nay, giữ gìn cảnh quan ở trung tâm thành phố Hà Nội, tạo công ăn việc làm ở các làng HIV). Công ty 1+1>2 qua nhiều thiết kế muốn truyền tải thông điệp - niềm tin của mình “Kiến trúc phải mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”. Rất nhiều dự án phi lợi nhuận, được tài trợ bởi các tổ chức Phi chính phủ, các tổ chức từ thiện và các công ty và cá nhân muốn đóng góp cho xã hội đã tìm 1+1>2 như một địa chỉ đầu tiên mà họ yêu cầu cùng làm các dự án cộng đồng.

KTS Hoàng Thúc Hào và 1+1>2 nhận thức được nhu cầu về các không gian cộng đồng làng xã, cũng là một sự thôi thúc lớn để đoàn tụ cộng đồng và làm sống lại những giá trị truyền thống, xóm giềng, dòng họ. KTS Hoàng Thúc Hào đã hành động như người tiên phong thay đổi quan niệm về nó với nhà cộng đồng đa năng làng Suối Rè (Hòa Bình), tự bỏ kinh phí cùng các cộng sự. Nó nhanh chóng được công nhận trên toàn thế giới (ví dụ giải Barbara Cappochin 2011) cho phương thức làm sống lại truyền thống, bản sắc xã hội và tiềm năng nhân rộng đến các khu vực nông thôn khác. Nhà cộng đồng Suối Rè đưa dân làng đến cùng nhau và củng cố cộng đồng khi họ tham gia thiết kế và xây dựng “ngôi nhà” của mình. Thiết kế này là một sự tôn trọng truyền thống Việt, tựa núi, tránh bão, lũ lụt và đối mở ra phía thung lũng, hài hòa giữa các nguyên liệu tự nhiên (đá, đất, tre, lá) và thiên nhiên (không khí, gió, mặt trời và rừng rậm âm thanh)-là một bản giao hưởng.
Sự thành công của Suối Rè đã dẫn tới những nhà cộng đồng khác Tả Phìn (Sapa), Cẩm Thanh (Hội An), sân chơi trẻ em, Nhà vỏ chai cho COHED y tế cộng đồng (Hải Phòng), Trung tâm hạnh phúc Bhutan, trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), nhà nông thôn mới ở Hà Giang, Quảng Bình. KTS Hoàng Thúc Hào thậm chí vượt lên cả sự nghi ngờ về tài năng, thiếu cảm thông của giới đồng nghiệp đang theo đuổi “tạo hình ấn tượng”, “phong cách dễ nhận biết”, “ưu tiên đại diện”, “hiệu quả cho nhà đầu tư”.., để có thể theo đuổi “cái đẹp của kiến trúc vì xã hội” khiêm tốn, bên cạnh sự thiếu thốn của người dân nông thôn yêu mến ông, những đứa trẻ cần nhiều sự dấn thân hơn nữa của kiến trúc.

kiến trúc,xã hội, kiến trúc sư
Nhà cộng đồng Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình).

Không phụ lòng người, với những thiết kế mang lại hạnh phúc cho cộng đồng vốn bị bỏ quên trong một xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt là những cộng đồng nhỏ ở nông thôn hay những cộng đồng thiểu số vốn có ít tiếng nói. Ban giám khảo Giải thưởng SIA-Getz Architecture 2016, Giải thưởng cho Kiến trúc sư nổi bật châu Á do Viện Kiến trúc sư Singapore (SIA) và Getz Bros&Co, được xét 2 năm một lần rất ấn tượng với các công trình kiến trúc của KTS Hoàng Thúc Hào. Kiến trúc của anh vượt xa hơn tính bền vững trong một công trình khi đồng thời nhắm tới sự bền vững văn hóa, một khía cạnh vốn bị lãng quên ở những quốc gia đang phát triển.

Sự kiện này vào những ngày cuối năm 2016 một lần nữa khẳng định sự tiếp nối lịch sử dài từ 1930 đến 2016 về vai trò xã hội to lớn của kiến trúc. Một tư tưởng nhân văn lớn lao với ba giải thưởng kiến trúc lớn nhất của năm 2016, là hạnh phúc nghề nghiệp cho ba KTS: Le Corbusier gạo cội - châu Âu, Alejandro Aravena - châu Mỹ và Hoàng Thúc Hào - châu Á.

KTS Hoàng Thúc Hào tự nói lên tư tưởng sáng tác của mình: “Tôi nghĩ rằng nghệ thuật nào cũng vậy, phải có tính nhân văn. Sáng tạo trước hết vì tương lai con người và thứ hai là vì tương lai văn hóa. Kiến trúc sư chỉ có 2 điều ấy thôi, không nên nhân danh bất cứ điều nào khác”.

Tóm lại, phải mất một thời gian rất dài (ở phương Tây là vài thế kỷ), mới bắt đầu xóa bỏ được sự đối lập nguy hại giữa “Kiến trúc” và “Văn hóa”. Năm 2016, những ngày cuối năm se lạnh của Hà Nội, ba giải thưởng tôn vinh tính nhân văn trong sáng tác kiến trúc làm ấm lòng các KTS đang làm việc không ngừng nghỉ để tạo ra các tượng đài nghề nghiệp cao quý của kiến trúc và tương lai.

 

TOP BÀI VIẾT

 HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN