Hội kiến trúc sư đề xuất kè cỏ quanh Hồ Gươm

Hội kiến trúc sư đề xuất kè cỏ quanh Hồ Gươm

Chuyên gia hiến kế chỉnh trang Hồ Gươm bằng cách kè cỏ quanh hồ, lát đá lòng đường để kết nối một số công trình kiến trúc vào không gian chung.

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang triển lãm các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực quanh Hồ Gươm để xin ý kiến người dân. Những hạng mục được đưa ra xin ý kiến gồm: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa; chiếu sáng; cây xanh, cảnh quan quanh hồ...

Trao đổi với VnExpress, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông (Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, Hội ủng hộ phần lớn các hạng mục trong đề án chỉnh trang này. Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị được quận Hoàn Kiếm lấy ý kiến, đại diện Hội Kiến trúc sư cho rằng, đề án còn một số hạn chế như chưa làm rõ phương án tu sửa kè Hồ Gươm, vì kè cứng quanh hồ đã có nhiều chỗ hư hỏng.

"Nên thay lớp kè bê tông hiện nay bằng kè cỏ sẽ tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên", ông Thông nói.

Ngoài ra theo ông, Hà Nội cần xây dựng phương án phát huy các giá trị phi vật thể vốn có của Hồ Gươm. "Chúng ta có thể sử dụng công nghệ 3D giới thiệu các vị trí quanh hồ, ví dụ một du khách đứng trước tháp Hòa Phong sẽ biết nơi đây từng hiện hữu chùa Liên Trì, qua đó giúp họ hiểu hơn giá trị của di tích lịch sử quan trọng này", ông Thông hiến kế.

Hồ gươm,kè cỏ hồ,tàu điện
Hội kiến trúc sư đề xuất kè bờ cỏ xung quanh Hồ Gươm. Ảnh: Bá Đô

Đồng tình với việc lát đá lòng đường, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam giải thích, các công trình quanh Hồ như Đền Bà Kiệu, tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh..., đang bị đường Đinh Tiên Hoàng chia cắt, do vậy việc đơn vị tư vấn (Công ty AREP) đề xuất xử lý bằng cách lát đá lại lòng đường sẽ giúp kết nối các công trình này với không gian chung. Tháp Hòa Phong bị chia cắt với vườn hoa Lý Thái Tổ cũng cần được xử lý tương tự.

"Lát đá lòng đường thay vì bê tông nhựa khiến chúng ta cảm nhận được không gian đi bộ thống nhất, không bị chia cắt như hiện nay, phương tiện giao thông vẫn đi lại bình thường", KTS Thông nhận định.

"Một số phương án chỉnh trang cảnh quan như bổ sung cây xanh, thêm mô hình tàu điện... để người dân thưởng ngoạn là cần thiết", ông Thông bình luận thêm.

Hồ gươm,kè cỏ hồ,tàu điện
Phương án lát đá lòng đường được đơn vị tư vấn đề xuất. Ảnh: Võ Hải

Vốn là người gốc Hà Nội và sống gần Hồ Gươm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, để tạo cảnh quan đẹp, đồng nhất thì mỗi công trình quanh Hồ phải được chỉnh trang, gắn với lịch sử của di sản. Theo ông, trước khi chỉnh trang, đơn vị quản lý cần xóa bỏ tất cả các hạng mục rườm rà của khu vực này như đèn nhấp nháy, khẩu hiệu, cờ phướn, cột điện bê tông, màn hình lớn trước đền Bà Kiệu... "Nếu có thể thì phá bỏ hoặc sửa chữa các công trình ảnh hưởng mỹ quan, ví dụ tòa nhà Hàm Cá Mập", họa sĩ Cương đề xuất.

Nhận xét về kế hoạch chỉnh trang dự án bắt đầu từ ra Tết và hoàn thành trong quý 2/2017, họa sĩ Lê Thiết Cương nói: "Chỉnh trang Hồ Gươm là việc quan trọng cần lấy ý kiến chuyên gia, không nên vội vàng tiến hành chỉ trong vài tháng".

Hồ gươm,kè cỏ hồ,tàu điện
Mô hình tàu điện sẽ được tái hiện ở Hồ Gươm. Ảnh: Võ Hải.

Các phương án thiết kế đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu vực quanh Hồ Gươm được quận Hoàn Kiếm triển lãm tại Trung tâm thông tin văn hoá (số 2 Lê Thái Tổ).

 

TOP BÀI VIẾT

 HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN