Đông Anh là một huyện ngoại thành phía Bắc Thủ đô, diện tích 18.230ha, dân số 38 vạn người; với địa hình tương đối thuận lợi, Đông Anh đang trở thành một trong những không gian trọng yếu có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không quốc gia, gắn kết khu vực đô thị hai bên sông Hồng.
Trong những năm vừa qua, Đông Anh là huyện đi đầu trong công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị của TP. Đến nay cơ bản các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn đã được duyệt làm cơ sở cho các đơn vị, các nhà đầu tư triển khai lập các dự án, đồ án quy hoạch chi tiết như quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Trung tâm Triển lãm quốc gia, khu phụ trợ và nhà ở thấp tầng, quy hoạch khu nhà ở Uy Nỗ - Việt Hùng, Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm, cụm trường đại học tại xã Mai Lâm và xã Dục Tú, khu NƠXH tại xã Kim Chung, KĐTM Noble tại xã Kim Nỗ... đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo động lực và cơ hội lớn chưa từng có để Đông Anh phát triển đô thị bền vững trong những năm tới.
Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện đã dần được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại mang lại sự kết nối giao thương thuận lợi giữa huyện với trung tâm Thủ đô và các huyện, tỉnh lân cận: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài), tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (đường 5 kéo dài), tuyến QL3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên), tuyến đường gom đường Võ Văn Kiệt (Bắc Thăng Long - Nội Bài), tuyến đường kinh tế miền Đông, tuyến đường Bệnh viện Đông Anh - Đền Sái, đường Cao Lỗ, đường Cổ Loa, đường 23B, đường Lê Hữu Tựu, đường Nguyên Khê, đường Bắc Hồng, hệ thống đường đê sông Đuống, sông Hồng, sông Cà Lồ... là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng.
Trong thời gian gần đây, Đông Anh đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong nước như Sun Group, Vin group, BRG và SeABank nghiên cứu thực hiện các dự án có quy mô và tầm cỡ quốc tế như: Dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương; Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới tại xã Đông Hội; Công viên công nghệ phần mềm tại xã Tiên Dương, xã Nguyên Khê... tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị trên địa bàn huyện theo đúng hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Ngoài ra, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa đã được quy hoạch theo hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Thành Cổ Loa hướng tới xây dựng và tôn vinh thành "Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn" của Thủ đô. Đây sẽ là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, là một trong những công viên chính của Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển đô thị, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, huyện Đông Anh đã dành mọi nguồn lực tập trung cho việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Năm 2016, huyện Đông Anh đã được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, Cấp ủy huyện Đông Anh đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và GPMB trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 với các giải pháp: Đẩy mạnh công tác lập, rà soát điều chỉnh, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch để việc đầu tư xây dựng cũng như phát triển các ngành kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện và của Thủ đô. Tăng cường quản lý và khai thác tốt nhất các quy hoạch đã có, chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị trên địa bàn đảm bảo phát triển bền vững theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”...