UBND TP Huế đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm có các điều chỉnh về màu sắc, họa tiết ở Bia Quốc học.
Bia Quốc học nằm bên bờ Nam sông Hương, ngay trước Trường Quốc học Huế, được xây dựng từ thời Pháp, là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khánh thành năm 1920, có tên gọi Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ, cần phải được trùng tu, tôn tạo, gia cố sửa chữa một cách đồng bộ, triệt để, đảm bảo độ bền lâu dài, thẩm mỹ.
Dự án được UBND TP Huế phê duyệt đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư, Cty CP Đầu tư Phát triển Vishnu Huế triển khai thi công. Khi trùng tu đến giai đoạn hoàn thành, các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân mới phát hiện tấm bia cổ đã bị làm mới khiến ai cũng bất bình. Các họa tiết hoa văn cổ được cải tạo, thay mới, chỉ còn lại một số ít được giữ lại. Màu sắc mới ở đây trông lòe loẹt, vàng chóe khác xa với màu rêu phong cũ kỹ trước đây.
Ở góc độ đơn vị tư vấn thiết kế trùng tu Bia cổ Quốc học, ông Lê Văn Quảng - Phó giám đốc phụ trách Phân viện KHCN xây dựng miền Trung cho biết, khi triển khai dự án, UBND TP Huế đã tổ chức cuộc họp giữa Sở VHTT&DL, Trung tâm Di tích Cố đô Huế, đơn vị tư vấn và đưa ra 2 phương án: xử lý cục bộ chống hư hỏng, hoặc trùng tu triệt để. Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo TP Huế và các bên liên quan đã chọn hướng trùng tu triệt để.
Ông Quảng nói rõ: Công trình Bia Quốc học không phải là di tích, nhưng khi trùng tu phải ứng xử như di tích. Ban đầu đơn vị quyết tâm giữ lại khoảng 30%, nhưng khi ra thực tế nó ngược lại; một số hạng mục khi khảo sát cho giữ lại, nhưng khi đụng vào đã vỡ vụn, hư hỏng; một số vị trí định tháo hết nhưng ở thực địa nó còn tốt nên giữ lại và gia cố chắc bằng gạch, xi măng. “Chúng tôi không thay đổi gì kết cấu, cách trang trí, kiểu dáng vật liệu trang trí cả; một số điểm hư hỏng nhẹ đã cho xử lý cho đỡ hư hỏng. Mới trùng tu nên nhìn thấy vậy, chỉ sau một thời gian sẽ nhìn bình thường trở lại”, ông Quảng nói.
Ngay sau khi nhận được những ý kiến phản ứng trái chiều, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP Huế đã tổ chức buổi họp với các đơn vị liên quan và các nhà nghiên cứu Huế để nghe ý kiến góp ý. Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và các đơn vị tư vấn đã báo cáo đầy đủ chi tiết quá trình chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng, công tác lập hồ sơ dự án, thiết kế thi công.
Theo ông Thành, công trình chưa được công nhận là di tích, nhưng rất có giá trị về lịch sử, giá trị kiến trúc - nghệ thuật, văn hóa. Vì vậy, trùng tu cần ứng xử như một công trình di tích. Chủ đầu đã lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, có năng lực phù hợp với công trình văn hóa di tích để khảo sát, lập thiết kế - dự toán công trình. Các đơn vị phải khảo sát, đánh giá kỹ về hiện trạng, chất lượng còn lại của từng cấu kiện, chi tiết, hoa văn trang trí; từ đó đưa ra phương án thiết kế, trùng tu, tôn tạo, gia cố sửa chữa hợp lý và đảm bảo nguyên tắc theo đúng nguyên mẫu gốc. Xử lý triệt để chống nứt, gãy ở phần móng tường, nền nhà bia, màu sắc từng chi tiết phải xử lý sao cho hài hòa, hợp lý…