Nhằm phấn đấu đạt 50% đô thị lớn đạt tiêu chuẩn đô thị xanh vào năm 2030, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, doanh nghiệp, bạn đọc trong và ngoài nước để hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn thực hiện.
Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển đô thị theo những mục tiêu chiến lược. (Ảnh: TL)
Công cụ để phát triển đô thị
Theo Dự thảo, Thông tư này hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh bao gồm quy định và hướng dẫn về Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; quy trình lập Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo Bộ chỉ số; chế độ lập Báo cáo; kinh phí thực hiện.
Trong đó, nguyên tắc áp dụng Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh quy định rõ, đây là công cụ để các đô thị quản lý định hướng, phát triển đô thị hướng tới mục tiêu đô thị tăng trưởng xanh thông qua các chỉ tiêu cụ thể, được lồng ghép trong Quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị, các Kế hoạch hoạt động của đô thị thực hiện triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các dự án đầu tư xây dựng đóng góp cho việc thực hiện định hướng tăng trưởng xanh.
Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là cơ sở để các đô thị xác định mục tiêu cụ thể về hoạt động xây dựng, Quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị, Đầu tư phát triển đô thị cho từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, cụ thể hóa hàng năm.
Ngoài ra, Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được áp dụng để thực hiện kiểm tra, giám sát và thúc đẩy các hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tại các đô thị. Là cơ sở để rà soát, bổ sung và điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; xác định lộ trình tổ chức triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh tại các đô thị trên địa bàn.
Đánh giá hiện trạng đô thị gắn với tăng trưởng xanh
Để báo cáo đánh giá Bộ chỉ số đô thị tăng trưởng xanh, cần sử dụng các dữ liệu của toàn bộ các chỉ số để đánh giá tổng hợp hiện trạng xây dựng, đầu tư phát triển đô thị.
Trong đó, những nội dung đánh giá bao gồm: Hiện trạng đô thị so với định hướng tăng trưởng xanh thông qua các chỉ số để đánh giá hiện trạng tình hình thực hiện những vấn đề ưu tiên trong tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu, các chỉ tiêu kinh tế chính bao gồm dân số, lao động và việc làm, cơ sở hạ tầng, đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh. Hiện trạng môi trường hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh như xem xét những giá trị tài nguyên, các dữ liệu đánh giá chất lượng môi trường đô thị, các nguồn năng lượng các-bon thấp và phát thải ít, diễn biến các rủi ro về thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hiện trạng xã hội đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó xem xét các dịch vụ tiện ích của đô thị, chất lượng sống của dân cư đô thị thông qua các chỉ số như thu nhập bình quân đầu người, chất lượng dịch vụ xã hội và khả năng tiếp cận dịch vụ. Ngoài ra, việc đánh giá năng lực đáp ứng thể chế của đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh còn góp phần làm cơ sở để xác định tình hình hiện trạng các thể chế phát triển đô thị về tăng trưởng xanh, xác định các vấn đề cần được thực hiện giữa phát triển đô thị theo phương án phát triển thông thường và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ví dụ như các quy định về quản lý công nghệ được áp dụng, giảm phát thải khí nhà kính.
Xác định các bên có liên quan chủ yếu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đa phương và song phương cùng các chủ thể khác. Rà soát và đề xuất danh mục tổng hợp các hoạt động về đô thị tăng trưởng xanh thích hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Trên cơ sở đối chiếu giá trị của các chỉ số so với năm cơ sở, cơ quan lập báo cáo các chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm hoặc theo giai đoạn cùng kỳ với lập Báo cáo phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm của địa phương, nêu rõ xu hướng tăng trưởng của đô thị, so sánh đối chiếu để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cụ thể đối với UBND các thành phố, thị xã…
Trao đổi về những điểm mới của Dự thảo Thông tư, đại diện Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng cho biết, tình hình đô thị hóa trên toàn quốc cũng như xu hướng tác động của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các đô thị phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực có tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao. Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị và để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự thống nhất vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như các bên liên quan trong xã hội. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp với nhiều giải pháp sáng tạo, đô thị tăng trưởng xanh sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.