Bình Dương đột phá trong phát triển đô thị

 

Được đánh giá là tỉnh năng động trong CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 77% với tốc độ tăng trưởng hàng năm.

Để sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, Bình Dương đã xây dựng chương trình đột phá phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020.

bình dương , năng động , hội nhập
Trung tâm đô thị Bình Dương đã hình thành bằng việc đưa vào sử dụng tòa nhà hành chính – nơi làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở ban ngành tỉnh Bình Dương.

Tỷ lệ đô thị hóa gần 77%

Theo chương trình đột phá, Bình Dương có 1 TP, 4 thị xã và 4 huyện với 91 xã phường thị trấn, trong đó khu vực phía Nam có 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại IV. Toàn tỉnh có gần 2 triệu người, chủ yếu tập trung ở phía Nam với mật độ dân số trung bình 695 người/km2. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% – 37,3% – 2,7%, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 77%.

Đến nay, công tác quy hoạch xây dựng cơ bản hoàn thành, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%, các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết. Hiện Bình Dương đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Bình Dương, đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Ông Nguyễn Thành Tài – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng đô thị Bình Dương vẫn còn nhiều bất cập, điển hình là việc liên kết và phát triển vùng còn nhiều vướng mắc. Mật độ lấp đầy các dự án trên địa bàn tỉnh còn thấp. Đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp chỉnh trang đô thị chưa tương xứng với sự phát triển của đô thị. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng còn chưa chặt chẽ. Việc hình thành các khu dân cư tự phát với cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch cũng như phát triển đô thị. Việc mở rộng đô thị nhanh chóng khiến cho một số chỉ tiêu khác của đô thị có xu hướng bị giảm so với tiêu chuẩn đô thị loại I. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thật sự hoàn chỉnh và đồng bộ. Tình hình ngập úng cục bộ chậm được khắc phục. Tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm bắt đầu xảy ra. Các loại dây cáp điện, cáp viễn thông chậm được ngầm hóa gây mất mỹ quan và thiếu an toàn…

Phát triển đô thị trung tâm

Trong chương phát triển hệ thống đô thị, Bình Dương xác định lấy đô thị mới tại P.Hòa Phú – Phú Tân (TP mới Bình Dương) làm trung tâm, hỗ trợ phát triển các đô thị vệ tinh trong vùng góp phần đảm bảo hài hòa phát triển giữa các đô thị, nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng sống. Xây dựng các đô thị mới với các tiêu chí theo hướng văn minh, hiện đại như: Sử dụng nhiều quỹ đất cho xây dựng công trình phúc lợi công cộng, không gian xanh đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật khung. Từng bước hình thành các trung tâm tổng hợp chuyên ngành về sản xuất, thương mại, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – thể dục thể thao có quy mô cấp khu vực. Rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình đảm bảo cho việc nâng cấp đô thị Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I.

Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị cũ bằng việc rà soát và lập quy định quản lý xây dựng công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định. Xây dựng và phát triển nhiều loại hình nhà ở đa dạng như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên. Song song với việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị, Bình Dương cũng chú trọng đến công tác bảo tồn các di sản văn hóa – lịch sử – các công trình kiến trúc có giá trị như xây dựng các quy định, quy chế, cùng các giải pháp phù hợp đảm bảo nhằm phát triển hài hòa, bền vững. Lập quy định quản lý nhà và công trình ven kênh rạch để đảm bảo việc nạo vét, duy tu sửa chữa và tiêu thoát nước cho đô thị. Cải thiện môi trường đô thị thông qua công tác cải tạo kênh rạch ô nhiễm, di dời các cơ sở ô nhiễm nhằm tạo thêm không gian công cộng.

Thời gian tới, Bình Dương tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng giải pháp để thu hút đầu tư lấp đầy Khu liên hợp Công nghiệp – dịch vụ – Đô thị Bình Dương. Trong đó, ưu tiên các dự án thương mại dịch vụ nhằm tăng tỷ lệ cơ cấu kinh tế về dịch vụ; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đô thị mới tại P.Hòa Phú – Phú Tân, tập trung đầu tư các công trình dịch vụ thương mại nhằm thu hút người dân đến sinh sống và làm việc; xác định một số khu vực phát triển đô thị trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng đô thị thông minh gắn với đề án TP Bình Dương thông minh.

Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chú trọng phát triển mạnh giao thông công cộng (xe điện, xe buýt), hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy. Quan tâm các dự án giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường nhằm ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý đô thị theo chương trình và kế hoạch.

 

TOP BÀI VIẾT

 HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN