Đầu mùa mưa 2016, một số đô thị trên cả nước đã trải qua những trận úng ngập và người dân lại thường trực nỗi lo về hệ thống thoát nước. Để giải quyết rốt ráo thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ Trung ương và địa phương làm công tác quản lý thuộc lĩnh vực thoát nước để
Ảnh minh họa
Thực trạng thoát nước tại đô thị
Trong những năm gần đây, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị được cải thiện đáng kể. Một số dự án đã và đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA tại các TP như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh… Nguồn vốn đầu tư này tuy đã lên tới tỷ USD, tuy nhiên nó cũng chỉ đáp ứng tỷ lệ nhỏ (khoảng 1/6) so với yêu cầu.
Hiện nay, hệ thống thoát nước phổ biến nhất ở các đô thị của Việt Nam là hệ thống thoát nước chung. Phần lớn những hệ thống này được xây dựng cách đây khoảng 100 năm, phát triển trên cơ sở cống thoát nước mưa hình thành từ trước, kích thước và độ dốc cống nhỏ, mật độ tính theo chiều dài trên đầu người thấp, bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn đủ khả năng phục vụ tiêu thoát nước cho các đô thị.
Cùng với đó là việc xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước được thực hiện một cách chắp vá, không theo quy hoạch lâu dài. Các dự án thoát nước đô thị sử dụng vốn ODA (cho khoảng 10 đô thị) đã và đang được triển khai thực hiện thường áp dụng kiểu hệ thống chung trên cơ sở cải tạo nâng cấp hệ thống hiện có. Hệ thống cho ba loại nước thải: Nước mưa, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt. Hệ thống nước mưa thoát riêng, còn nước thải sản xuất sau khi đã xử lý sơ bộ trong từng nhà máy thì thoát chung và xử lý kết hợp với nước thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước là chưa hợp lý, việc quản lý phối hợp giữa các ngành giao thông công chính và các ngành khác chưa chặt chẽ, đã gây ra không ít những khó khăn và phức tạp trong quản lý thoát nước hiện nay. Đặc biệt, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam cần được quy hoạch và xây dựng đồng thời với quy hoạch phát triển đô thị. Trên thực tế thì ở một số đô thị vẫn là đô thị đi trước thoát nước theo sau.
Phát triển công nghệ để xử lý
Trước thực trạng trên, việc ưu tiên các nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải là rất lớn, tiến tới làm chủ các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến và thân thiện với môi trường. Đồng thời tổ chức nghiên cứu các nội dung liên quan tới thoát nước an toàn, bền vững và đề xuất các quy định đảm bảo công tác thoát nước an toàn cho hệ thống thoát nước đô thị là những điểm quan trọng trong quyết định quy hoạch thoát nước cho đô thị hiện nay.
Tuy nhiên việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, bùn thải cần phải phù hợp với đặc điểm điều kiện khí hậu, địa hình, địa chất thủy văn của các khu vực và khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận. Nghiên cứu, đề xuất các quy định về tái sử dụng nước thải, bùn thải sau xử lý phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường dựa trên thực tế của đô thị và nền móng sẵn có.
Đặc biệt là quá trình nghiên cứu và áp dụng các giải pháp, công nghệ xử lý nhằm tái sử dụng nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống và sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt. Như áp dụng mô hình quản lý thoát lũ đa chức năng và đề xuất các giải pháp phòng chống ngập úng đô thị khẩn cấp phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý nước thải và thoát nước chống ngập đô thị. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm thu hút nhân tài có khả năng phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.