Hai loại hồ sơ cần có trước khi thi công
Trước tiên, chủ nhà cần chọn một đơn vị tư vấn thiết kế để đơn vị này thực hiện bước đầu là làm hồ sơ thiết kế sơ bộ để xin phép xây dựng. Khi đó, đơn vị chức năng cấp phép sẽ cho biết ngôi nhà được phép xây bao nhiêu tầng (tùy khu vực); ban công trong giới hạn nào... Chẳng hạn, lộ giới dưới 6m thì không cho chìa ban công ra; 6 - 12m, chìa ra được 0,9m; 12 - 16m được 1,2m... Hoặc, phải lùi vào đúng chỉ giới xây dựng so với lề đường; xác định vị trí cấp thoát nước...
Lưu ý, hồ sơ xin phép này khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công. Sau đó, chủ nhà cùng đơn vị thiết kế bàn bạc, tìm những giải pháp cụ thể theo nhu cầu sinh hoạt của gia đình, phù hợp khả năng tài chính... Từ những yếu tố đó, nhà thiết kế mới làm thành một bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật đầy đủ.
Bộ hồ sơ này gồm 3 bộ bản vẽ: bản vẽ khai triển chi tiết kiến trúc như các bản vẽ phối cảnh, mặt bằng, mặt cắt; chi tiết vệ sinh, cầu thang, ban công... Kỹ sư xây dựng của đơn vị thiết kế dựa trên bản vẽ này để tạo bộ bản vẽ kết cấu gồm kết cấu từ móng đến mái như cột, sàn, đà, dầm, móng... Kỹ sư xây dựng thường dùng tư liệu của đơn vị khảo sát địa chất hoặc phải yêu cầu khoan địa chất thực tế nơi xây nhà để đưa ra giải pháp móng chuẩn xác. Tiếp theo đó, kỹ sư hoặc nhà chuyên môn về điện, nước cũng dựa vào bản vẽ thiết kế chi tiết để thực hiện tiếp bộ hồ sơ thiết kế điện nước như hệ thống điện thắp sáng, điện sử dụng máy; hệ thống cấp thoát nước... Bình thường, với một căn nhà phố, tổng số bản vẽ của cả 3 bộ bản vẽ trên có thể lên đến vài chục bản. Cần lưu ý là trong thực tế hiện nay, nhiều nhà thiết kế thường chỉ thực hiện những bản vẽ "không thể bỏ qua" như triển khai chi tiết kiến trúc, kết cấu còn các bản vẽ điện nước thì không có. Ðiều này gây khó khăn sau này khi cần sửa chữa hoặc chuyển đổi chủ sở hữu.
Sau khi hoàn tất 3 bộ hồ sơ trên, bước tiếp theo là đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán công trình để định được giá trị đầu tư xây dựng. Ðến đây, hồ sơ tư vấn thiết kế xong, chủ nhà có thể mang đi nhờ thầu, công ty xây dựng hay một đơn vị nào đó ký hợp đồng thi công.
Thi công và hoàn công
Theo quy định, đơn vị thi công phải là đơn vị có tư cách pháp nhân. Trong thi công, thường chủ nhà thuê một kiến trúc sư hay kỹ sư giám sát tiến độ công trình, thay mặt gia chủ giám sát về kỹ thuật như bản vẽ chi tiết và dự toán đã thể hiện và ghi nhật ký thi công công trình. Ðơn vị tư vấn thiết kế thường giới thiệu người giám sát thi công này cho chủ nhà vì người giám sát sẽ thực hiện đúng ý đồ của bản thiết kế đã thống nhất.
Sau khi hoàn tất căn nhà là phần làm thủ tục hoàn công. Thao tác này gần giống như khi xin phép xây dựng, có thể nhờ đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ hoàn công. Hồ sơ gồm: giấy đề nghị hoàn công; bản sao hợp đồng thi công; bản sao giấy phép xây dựng; bản sao bộ bản vẽ thiết kế xây dựng; và bản vẽ hoàn công (thể hiện đúng hiện trạng đã xây dựng); biên bản định vị móng, công trình vệ sinh... Ðơn vị chức năng chấp nhận hoàn công, ngôi nhà mới hợp lệ mọi mặt.
Cơ sở để tính toán chi phí
Theo quy định của Bộ Xây dựng, chi phí thiết kế công trình dân dụng được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng trị giá xây dựng công trình. Ví dụ, nhà liên kế, nhà phố giá thành 500 triệu đồng thì chi phí thiết kế là 2,99%; nhà có giá thành xây 200 triệu đồng thì chi phí thiết kế là 3,08%. Một số công ty thiết kế thường tính theo m² xây dựng, khoảng 45.000 - 50.000đ/m². Giá này cũng có thể thay đổi theo thoả thuận tùy theo bộ hồ sơ thiết kế chi tiết đến cỡ nào. Cách tính này cũng thường tương ứng với giá theo tỷ lệ phần trăm.
Giá thành xây dựng thường chia ra hai phần: phần xây thô và phần hoàn thiện. Ví dụ, nhà cấp 2 (dạng nhà đúc có lầu), phần thô là 1 - 1,1 triệu đồng/m² (công+vật tư) và phần hoàn thiện là 500.000đ/m² trở lên. Khoản hoàn thiện biến động nhiều do tùy thuộc vào nguyên liệu chọn, loại tốt, trung bình hay thường; ví dụ, cái vòi nước, có loại 60.000đ, có loại 3 - 5 triệu đồng/cái... Với nhà cấp 3 và 4 - dạng nhà trệt có gác - giá xây dựng khoảng 700.000đ đến 1 triệu đồng/m² (tính cả công, vật tư và phần hoàn thiện).