Với kỳ vọng đưa vùng Thủ đô Hà Nội trở thành vùng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm quy hoạch vùng Thủ đô cần phát huy được mọi tiềm năng, lợi thế của các tỉnh/thành trong vùng; đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa cân đối giữa đô thị hạt nhân (TP Hà Nội) và các đô thị khác, giữa đô thị và nông thôn trong vùng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của các tỉnh thành trong vùng
Theo ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát triển không gian Thủ đô Hà Nội được đặt trong mối quan hệ vùng Thủ đô Hà Nội với mối quan hệ tương hỗ hai chiều. Trong đó, Thủ đô Hà Nội tác động đến Vùng bằng việc thể hiện vai trò là đầu tàu trung tâm tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy toàn vùng phát triển thông qua sự mở rộng, lan tỏa các hoạt động kinh tế, đô thị hóa ra các tỉnh xung quanh Thủ đô. Vùng tác động đến Thủ đô Hà Nội bằng việc cung cấp cho Hà Nội nguồn thực phẩm, nguồn lao động, quỹ đất phát triển cho các khu chức năng mang tính chất liên kết và chia sẻ chức năng vùng.
Đồng ý kiến với TP Hà Nội, Bộ TN&MT nhận định: Việc điều chỉnh mở rộng phạm vi nghiên cứu Vùng Thủ đô Hà Nội tới các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, cần được nghiên cứu, xem xét dựa trên khả năng kết nối giữa đô thị hạt nhân (TP Hà Nội) với các hệ thống đô thị, khu vực phụ cận, vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, đô thị trung tâm tỉnh lỵ trong Vùng Thủ đô dự kiến mở rộng...
Trước mắt vùng Thủ đô cần tập trung sức tạo mặt bằng và chuẩn bị kết cấu hạ tầng thuận lợi thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có trong vùng. Hạn chế phát triển các khu công nghiệp tập trung mới tại Hà Nội, đưa bớt công nghiệp ra xa nội thành gắn với việc hình thành các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới;
Lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị, quy hoạch vùng Thủ đô cần phát huy được mọi tiềm năng, lợi thế của các tỉnh/thành trong vùng; đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa cân đối giữa đô thị hạt nhân (TP Hà Nội) và các đô thị khác, giữa đô thị và nông thôn trong vùng. Đồng thời, phải xác định hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đồng bộ gắn với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; các chiến lược, quy hoạch ngành và lãnh thổ có liên quan; Xác định các dự án đầu tư ưu tiên theo từng giai đoạn...
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới, công nghiệp, thương mại và dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo phát triển kinh tế Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để có những bước đột phá, tạo động lực phát triển Vùng cần phải chú trọng đến phát triển công nghiệp, thương mại với phân bố không gian hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế về tiềm năng, lợi thế về vị trí của từng địa phương, giảm khoảng cách về quy mô, sự phân bố và mức tăng trưởng giữa các địa phương, tăng sức lan tỏa, đồng thời kết nối các địa phương trong Vùng để cùng phát triển.
Kết nối hệ thống giao thông giữa các đô thị trong vùng
Ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP) cho biết: Ngoài các vấn đề căn bản của quy hoạch xây dựng Vùng về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng kinh tế trọng điểm…, đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ tập trung nghiên cứu sâu về hạ tầng giao thông với các tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải phù hợp với kịch bản phát triển, mô hình hóa các tính toán để lựa chọn phương án kỹ thuật hợp lý nhất cho Vùng.
Khung giao thông bao gồm tổ chức hệ thống giao thông đồng bộ, phát triển mạng lưới kết nối nội - ngoại Vùng, việc khai thác và vận hành hiệu quả các loại hình giao thông trong Vùng và trong đô thị sẽ đặc biệt được chú trọng. Đồ án cũng xác định hệ thống giao thông cấp Vùng như tuyến vành đai 5, các trục cao tốc vùng, các đầu mối nối kết vào các TP thủ phủ tỉnh và nghiên cứu sâu thêm tuyến đường sắt nội vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 490.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng Thủ đô trong thời gian tới, nhiều tỉnh thành trong vùng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để được vay ưu đãi để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương: Thống nhất hướng tuyến, cho Vĩnh Phúc triển khai đường Vành đai 5 Thủ đô, nhất là xây dựng đường hầm qua Núi Tam Đảo để kết nối Thủ đô Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên; bổ sung cầu và hướng tuyến chính thức vành đai 4,5 (giữa tuyến vành đai 4 và vành đai 5 vùng Thủ đô) đi qua đèo Nhe; bổ sung tuyến đường sắt đô thị Vĩnh Yên - Nội Bài - Hà Nội.
Tập trung bảo vệ môi trường Vùng Thủ đô
Theo Bộ NN&PTNT, Vùng Thủ đô là một trong những khu vực đang có nhiều biến động nhất trên cả nước cả về cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng đất tạo ra những thay đổi đột biến về yêu cầu cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ. Trong đó, sông Hồng đóng vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề cấp nước, tiêu nước và phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng lại đang bị cạn kiệt nguồn nước, mực nước hạ thấp ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành quy trình vận hành mùa kiệt các hồ chứa lớn thượng nguồn đảm bảo sử dụng tối ưu nguồn nước trên lưu vực sông Hồng cho các ngành kinh tế; đồng thời giám sát chặt chẽ diễn biến lòng dẫn, phân lưu dòng chảy trên dòng chính sông Hồng, các sông nhánh.
Để bảo vệ môi trường vùng Thủ đô, Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ sở công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; chấm dứt tình trạng xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy dọc theo quốc lộ lớn. Các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn cần được bố trí xa khu dân cư...
Đồng thời, trong thời gian tới Hà Nội sẽ phải tập trung di dời các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao trong nội đô và di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành TP Hà Nội đến các khu quy hoạch.