Phát triển đô thị đang là xu hướng chủ yếu của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Từ quy hoạch, hầu hết các đô thị đều hướng đến hiện đại, văn minh, đặc biệt nhiều đô thị, khu đô thị còn đặt ra mục tiêu, lộ trình đạt tới tiêu chí đô thị thông minh, sinh thái và bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì phần lớn các đô thị sẽ hao hao giống nhau, không tìm thấy những nét riêng có sức hấp dẫn. Tạo ra sự khác biệt cho đô thị so với những đô thị khác, gắn với bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên là một đòi hỏi nghiêm túc của chính quyền đô thị và nhân dân với nhà quy hoạch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đồng chí Nguyễn Nhân Chiến – Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch chung đô thị lõi Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10/9 /2015.
Tại sao phải cần sự khác biệt? Trong làm ăn, nhà kinh doanh tạo sự khác biệt trong chiến lược xây dựng thương hiệu, thu hút được khách hàng, sự hợp tác, nhờ đó mà thắng lợi trong cạnh tranh và bứt phá. Ngày nay, trong xu thế hội nhập, mỗi quốc gia, mỗi địa phương, sự khác biệt chính là những điểm mạnh, là lợi thế để xây dựng động lực phát triển. Các nhà quy hoạch quan tâm đến các yếu tố trụ cột về động lực, bao gồm: Con người, văn hóa, địa lý, kinh tế – xã hội, để tạo nên sự khác biệt cho đô thị. Có khi là một yếu tố, có khi cả bốn yếu tố được kết hợp nhuần nhuyễn làm nên bản sắc riêng, như đô thị Hội An là một ví dụ tiêu biểu.
Nói là thế nhưng quy hoạch đô thị để tạo ra sự khác biệt lại không đơn giản chút nào. Phải có ý tưởng về cái gì đó, rồi làm thế nào để từ ý tưởng đến thể hiện sao cho người ta nhận diện được. Xin chia sẻ điều này qua việc lập Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ý tưởng chính từ việc khi mở rộng quy mô đô thị thì giải quyết vấn đề “đô thị hóa” các làng mạc thế nào, cùng với yêu cầu phải bảo tồn các di sản. Rất nhiều quan điểm khác nhau, rồi cuối cùng đi đến thống nhất: “Bảo tồn không gian làng trong đô thị” là nét khác biệt chủ yếu của đô thị Bắc Ninh trong tương lai so với các đô thị hiện đại khác. Bảo tồn không gian làng ở đây chính là giữ gìn các nét đặc sắc về văn hóa như các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nghề truyền thống, và đặc biệt là di sản “Dân ca quan họ” (trong 49 làng Quan họ gốc thì khu vực quy hoạch chiếm khoảng 40 làng). Quan họ muốn giữ được đúng bản sắc của nó thì phải gắn với làng, nơi nó đã sinh ra và trường tồn đến ngày nay. Người ta chỉ có thể gọi là “Làng Quan họ” chứ không là “Phố Quan họ”. Quan họ có không gian riêng để nghe, xem và chơi Quan họ! Ngoài ra, với hơn 1.500 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có hơn 500 di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, khu vực quy hoạch là nơi đậm đặc các di tích thì việc quy định bảo tồn, quy định xây dựng để không ảnh hưởng xấu đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực di tích là những nội dung mà không phải đô thị nào khi mở rộng cũng gặp phải. Ý tưởng là thế nhưng làm thế nào để bảo tồn các không gian làng trong đô thị là một bài toán khó, ngay từ phương án quy hoạch. Bảo tồn không gian làng không chỉ ở khía cạnh giữ được “Cây đa, bến nước, sân đình” mà chính là quy hoạch sao cho phố không tiến sát vào làng, không xóa nhòa ranh giới và thực hiện công cuộc “đồng hóa” tất cả mọi thứ. Cần quy hoạch các khoảng đệm nông nghiệp và cây xanh, ngăn cách giữa làng và phố, đồng thời cần một sự chuyển tiếp hợp lý về chiều cao tầng. Còn trong làng cũng cần phải xác định một cách kỹ lưỡng khu nào, công trình nào thì bảo tồn, khu nào, công trình nào phát triển, cải tạo, nâng cấp. Đừng nhầm lẫn giữa khái niệm “Bảo tồn không gian làng” với “Bảo tồn di tích”, cũng không nên hiểu là “Bảo tồn cái làng”! Làng trong đô thị hiện đại cần được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, xây dựng nhà ở với tiện nghi hiện đại nhưng được khống chế về chiều cao và kiểu dáng kiến trúc phù hợp, mang bản sắc truyền thống. Những nét đẹp của làng không mất đi với cổng làng, ao làng, đình, chùa, ruộng, vườn, bến, bãi,… Chúng ta thử hình dung, từ những trung tâm đô thị mật độ cao về công trình và dân cư, với nhịp sống công nghiệp và đô thị hối hả, chỉ vài chục phút hoặc ít hơn thế, ta đã có thể bắt gặp một vài không gian làng, mọi thứ sẽ chậm lại, không gian trải ra với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tinh thần con người được nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm cả hiện tại, quá khứ và tương lai. Khách thập phương chắc sẽ “ồ” lên một cách thoải mái mỗi khi bắt gặp một làng quê, và đặc biệt hơn là không phải một mà nhiều không gian làng như thế! Kinh nghiệm từ nhiều đô thị lớn trong nước, ngay cả Hà Nội, đã không kịp giữ được các không gian đáng quý đó, làng đã dần biến mất không chỉ bởi sự xóa nhòa ranh giới mà còn bởi sự “đô thị hóa” tất cả mọi thứ ở trong đó.
Đồng chí Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng các đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh – Phó bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Nhường – Ủy viên Ban Thường vụ – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đồ án Quy hoạch chung đô thị lõi Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong khu vực đô thị lõi.
Đến nay, Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đã lập xong (đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tạo nên một bức tranh đô thị tương lai rất dễ nhận diện điểm khác biệt. Đó chính là “các không gian làng ở trong phố”, cùng với yếu tố tự nhiên được quy hoạch bảo tồn là ba triền sông (sông Cầu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê) và các núi sót tạo nên hệ sinh thái tự nhiên. Theo đó, thiết kế đô thị quy định về chiều cao, kiến trúc, mật độ xây dựng của các khu vực, làm cho bức tranh đô thị có nhịp điệu và cảnh quan khá sắc nét.
Câu chuyện trên của Bắc Ninh không có gì đặc biệt, và chúng tôi không có ý mang ra để giới thiệu. Nhưng thật khó để lý luận chung cho vấn đề đặt ra, mà theo chúng tôi thì nó là một yêu cầu có thật cho các đô thị, nhất là những đô thị đang trong quá trình lập hoặc điều chỉnh quy hoạch. Câu chuyện ở đây cũng có thể tham khảo cho nhiều địa phương, vì phần lớn đô thị của nước ta đều nhỏ bé, đang trong quá trình phát triển mở rộng về quy mô.
Người ta thường gọi tên “Bí danh” cho một đô thị theo cách lấy một nét đặc trưng của nơi đó, ví dụ như: Hải Phòng là thành phố “Hoa Phượng đỏ”, Huế là thành phố “Di sản”, Nha Trang là thành phố “Du lịch”, … Mỗi đô thị cần có một tên riêng như thế, nhưng một cách đặt tên riêng mà ở đó hàm chứa được những nét riêng về không gian, kiến trúc, cảnh quan, là điều mà những người làm quy hoạch phát triển đô thị muốn hướng tới, để cho mỗi đô thị đều được tự hào bởi những bản sắc riêng của mình, và bức tranh đô thị của chúng ta có những điểm nhấn, không bị nhòa đi trong xu thế “Hội nhập nóng”.