Để phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, nhà quản lý phải mất nhiều năm nghiên cứu, sử dụng kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức hội thảo làm cơ sở phê duyệt, vậy nhưng, cho đến khi thực hiện phê duyệt điều chỉnh thì chỉ có một vài người quyết định. Việc làm thiếu trách nhiệm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phá vỡ hoàn toàn đồ án quy hoạch lập, phê duyệt lần đầu. Đô thị liệu có còn là đô thị, nếu nhà quản lý cứ “mạnh ai nấy điều chỉnh”, không có sự rà soát chặt chẽ trong công tác quản lý điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung của Thủ đô?
Việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần đã và đang phá nát quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TL)
Một đồ án quy hoạch được điều chỉnh hai, ba, thậm chí năm, bảy lần… Thực tế này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đô thị cũng như đời sống của hàng triệu người dân Thủ đô.
Tại Hà Nội, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; các dự án được chấp thuận tổng mặt bằng với sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, nhưng sau đó lại được điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này đã khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều lần so với dân số đã tính toán để phê duyệt quy hoạch ban đầu, dẫn đến một khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã gây quá tải về nguồn điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là diện tích đất xây dựng nhà trẻ, cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng.
Kết luận thanh tra số 80/QĐ-TTr ngày 1/4/2015 của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND Quận Nam Từ Liêm cho thấy hầu hết các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là những dự án nhà ở liên tục được điều chỉnh và được điều chỉnh nhiều lần trong nhiều năm, thậm chí một năm.
Cụ thể, tại dự án Hải Đăng City do Cty CP Đầu tư Địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu nhà ở Phú Mỹ theo tỷ lệ 1/500, nhưng chỉ trong 4 năm, dự án đã được phê duyệt điều chỉnh cục bộ đến 3 lần, từ 15-15-18 tầng lên 27-33-39 tầng; Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu đô thị mới Phùng Khoang phê duyệt tại Quyết định số 17/2007/QĐ-UB ngày 27/01/2007 của UBND TP Hà Nội, ô đất HH2, CT1 (do Cty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư) được điều chỉnh 1 lần từ 7,6 tầng lên 21,3 tầng ; Ô đất CT2 thuộc dự án do Cty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 làm chủ đầu tư được điều chỉnh 2 lần từ 15,19 tầng lên 19,21 tầng, …
Về phương án kiến trúc được chấp thuận phê duyệt cũng liên tục bị điều chỉnh, cụ thể như dự án hỗn hợp trung tâm thương mại dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, nhóm nhà trẻ, văn phòng và căn hộ để bán do Cty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Quân đội làm chủ đầu tư được điều chỉnh lại 2 lần, nâng tầng cao trung bình từ 6,4 tầng năm 2001 lên 17 tầng năm 2008 và lên tới 23,25,30 tầng năm 2013.
Dự án toà nhà HH thuộc Khu Đô thị mới Trung Văn cũng được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500 năm 2004, nhưng đến năm 2013 UBND thành phố lại có quyết định điều chỉnh diện tích xây dựng từ 2.370m2 thành 2.909m2 với tầng cao trung bình từ 12,2 tầng lên 30 đến 40 tầng. Đặc biệt, tại Dự án xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ chiến sỹ viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) nằm trên lô đất CT2 thuộc KĐT mới Phùng Khoang, chỉ trong vòng 8 năm đã được điều chỉnh quy hoạch tới 4 lần. Hai toà tháp từ 7 tầng năm 2007, tháng 2/2008 lên 13,9 tầng, tháng 7/2008 lên 15,19 tầng, năm 2011 lên 21 tầng và năm 2015 được điều chỉnh lên tới 22 tầng…
Đành rằng, vấn đề điều chỉnh quy hoạch xây dựng là vấn đề cấp thiết, nhưng mục tiêu của việc điều chỉnh phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, một vùng hay của cả đất nước theo từng thời kỳ. Điều đó cũng được pháp luật về quy hoạch xây dựng quy định về thời hạn, mục tiêu điều chỉnh, trình tự thủ tục điều chỉnh. Riêng về trình tự thủ tục điều chỉnh, luật pháp cũng đã quy định một quy trình điều chỉnh chặt chẽ, không khác gì quy trình phê duyệt quy hoạch mới ban đầu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các hồ sơ điều chỉnh cho thấy, các cá nhân có thẩm quyền điều chỉnh đã không tuân thủ đúng quy trình điều chỉnh và hầu như việc điều chỉnh là do ý chí của một vài cá nhân. Trong khi, chủ đầu tư dự án sai quy hoạch, sai thiết kế thì bị xử lý nghiêm minh, còn những người điều chỉnh nhân danh với tư cách cá nhân là người có thẩm quyền đã và đang phá vỡ hoàn toàn quy hoạch của thành phố lại “vô can”. Thực tế này đã gây tổn thất gấp ngàn lần, nhưng mọi người lại cho là hợp lý. Tại sao vậy?
Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, có lẽ, chúng ta không nên mất hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư cho công tác quy hoạch ban đầu, gây lãng phí tiền của của nhân dân. Hơn nhất là phải tìm ra trách nhiệm của những người điều chỉnh quy hoạch, nhưng đã “băm nát” quy hoạch ban đầu gây bức xúc cho cộng đồng xã hội.
Qua tính toán sơ bộ, các công trình trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và một số quận nội thành khác được điều chỉnh, có thể nói, sức chứa về dân số đã tăng lên rất nhiều so với dự báo quy hoạch tại đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Thiết nghĩ, cần làm rõ trách nhiệm của những người điều chỉnh quy hoạch nhưng không tuân thủ theo quy định pháp luật. Đây cũng sẽ là lời giải, góp phần quan trọng trong công tác giảm ùn tắc giao thông của thành phố, mà ở đó đã có biết bao nhiêu đề tài, tiền của nghiên cứu về vấn đề này.