Trước có sông nhỏ, sau có núi cao, thường được cho là môi trường ở lý tưởng nhất. Phía sau có núi đương nhiên dựa vào thế núi, có thể tàng phong tụ khí, địa hình cũng là “trước thấp sau cao”, vững như Thái Sơn. Nhưng “cận thủy” cũng có nhiều dạng khác nhau.
Ngoài những lợi thế hiển nhiên, sông ngòi cũng có tác hại không ít đến môi trường như gây xói lở, dâng nước ngập lụt. Phong thủy từ xưa đã đúc kết: “Sơn hoàn thủy bao tất hữu khí” là ý chỉ thế núi khuỳnh ra tròn trịa (sơn hoàn) và thế nước vòng quanh (thủy bao) của một khu đất là thế tạo sinh khí tốt lành.
Nếu chọn nhà ở “trước Minh đường tụ nước” thì cần chọn cảnh nước êm đềm, hiền hòa, đó mới là phong thủy tốt(Ảnh minh họa)
Dòng nước quanh co uốn lượn nhu hòa thì mới trợ giúp tốt về mặt thổ nhưỡng và gia tăng ích lợi cho cư dân, Đây là cách truyền thống chọn đất cất nhà của dân cư mọi miền. Ngược lại, nhà xây sát bên những con sông lớn, nước chảy xiết và dòng chảy thẳng tuột hoặc có những khúc quẹo gấp (dạng củi chỏ) là thế xấu (hung cách). Vì tốc độ chảy của sông không phù hợp với nhịp sinh học của con người và sinh vật trong vùng. Tính chất “bên lở bên bồi” cũng khiến cho cùng một dòng nhưng hai bên bờ sông luôn có tính chất thổ nhưỡng và thủy văn khác nhau, khi chọn lựa cần quan sát kỹ.
Khi làm nhà gần sông, nền đất phẳng không tốt bằng nền đất gò đồi, thậm chí dễ bị trượt đất, xói lở… Do vậy, lúc xây dựng phải khảo sát kỹ, có thể xuất hiện những nhánh sông nhỏ hay mương thoát nước ra sông chính nằm dưới nền. Nếu không xử lý đúng sẽ bị sụp lở nền nhà. Từ đó mới đề ra giải pháp móng tối ưu (dùng cọc bê tông, đóng cừ tràm hay làm móng bè…) với điều kiện thực tế. Nền nhà phải tôn cao và chú ý đặt cống thoát nước cao hơn mực triều cường để tránh ngập lụt.
Nhà có sông ở trước tức là đã có một thủy minh đường tốt (khoảng rộng thoáng đãng đón nhận ánh sáng và sinh khí). Nhưng vì dòng nước luôn chuyển động nên cần có một thổ minh đường (thổ khắc chế được thủy) tiếp theo để ổn định trường khí cho cuộc đất. Vì vậy, nhà làm gần sông cần lùi công trình chính vào một khoảng cách nhất định (gọi là giới thủy, căn cứ theo dòng chảy mạnh hay nhẹ, sông rộng hay hẹp, lộ giới lưu thông trên sông và nền đất bên bờ…) và có xây bờ kè chắc chắn. Trên khoảng thổ minh đường nên trồng thêm cây xanh, vừa có tác dụng bám rễ giữ chắc đất, vừa làm bình phong điều chỉnh gió thổi từ sông vào.
Điều cần chú ý là trước cửa tuy có nước nhưng cần phải phân biệt đó là loại nước như thế nào. Phong thủy chia nước làm 2 loại là nước chết và nước sống.
- Nước sống: chỉ nước sạch chảy với tốc độ vừa phải & có năng lượng sống phong phú. Nước sống lưu động đem đến sự tỉnh táo, sức sống cho môi trường sống của con người. Dẫn nước sống vào môi trường xung quanh nhà ở của mình, Phong Thủy học cho rằng đó là dẫn tài khí vào nhà.
- Nước chết: chỉ nước hôi thối, ô nhiễm, nhiều côn trùng, thiếu năng lượng sống. Chúng sẽ không có lợi cho môi trường sống của con người, không ích lợi cho sức khỏe, cũng không thể mang đến một tâm tính tốt.
Ngoài ra nhà ở đối diện với biển cũng không nên ở sát quá bờ biển. Người xưa cho rằng nhà ở quá sát bờ biển là phạm vào “cát cước sát” (họa cắt đứt chân) khiến trạch vận không lâu dài, tài khí khó tụ. Trên thực tế, nhà ở quá gần biển dễ chịu sự xâm hại của thủy triều dâng tràn, sóng biển và gió biển mạnh. Nhà ở như thế sẽ thiếu cảm giác an toàn, cảm giác yên tĩnh. Vì thế cần đặc biệt chú ý.