Trước thời kỳ Đổi mới, những công trình cao trên 30m ở Hà nội có thể đếm trên đầu ngón tay.
Cột cờ Hà Nội
Tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ,quận Ba Đình, Hà Nội, Cột cờ (Kỳ đài) Hà Nội là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ và là biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long; là một công trình bề thế, cao nhất trong thành phố thời bấy giờ; có chức năng là vọng canh. Đứng từ trên đỉnh của cột cờ, có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ.
Kiến trúc Cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, cao hơn 41 m (tương đương một tòa nhà 10 tầng ngày nay), trông như khối lăng trụ xếp chồng nhau, cao thót dần từ dưới lên trên, nên không hề tạo cảm giác nặng nề, mà rất hài hòa và thanh thoát.
Hiện nay, dù có nhiều công trình cao lớn hơn hiện diện bên cạnh, công trình cột cờ Hà Nội vẫn rất hoành tráng, sừng sững chiếm một vị trí quan trọng trong lòng Hà Nội.
Nhà thờ Lớn
Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội, Giám mục Paul-Francois Puginier đã cho phá hoàn toàn Chùa Báo Thiên để xây dựng nhà thờ Lớn (tên gọi chính thức là nhà thờ Saint Joseph). Nhà thờ khánh thành năm vào lễ Giáng sinh năm 1887, sau hai năm xây dựng. Ngày nay nhờ thờ tọa lạc ở số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm,
Nhà thờ Lớn được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, với kiểu dáng phỏng theo nhà thờ Đức Bà Paris, có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m (tương đương một tòa nhà 8 tầng) với những trụ đá to nặng bốn góc.
Khi mới xây dựng, khu vực quanh nhà thờ còn hoang vắng, ít nhà cửa. Đến thập niên 1890, phố Nhà Thờ được xây dựng theo hướng từ nhà thờ ra hồ Hoàn Kiếm, khi đó vị trí nhà thờ Lớn mới trở nên đắc địa và đóng vai trò quan trọng trong không gian đô thị Hà Nội.
Ngày nay, nhà thờ Lớn được coi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Thủ đô Hà Nội.
Ống khói Cát Linh
Từ thập kỷ 1980 trở về trước, trên phố Cát Linh có một công trình cao sừng sững, đập vào mắt mọi người như một chiếc cột “chống trời”. Đó chính là chiếc ống khói của nhà máy gạch Đại La.
Ống khói nhà máy gạch Đại La có chiều cao khoảng 40m.
Nhà máy này có lịch sử hình thành từ thập niên 1920, do nhà tư sản Năm Diệm thành lập. Sau biến cố năm 1945, nhà máy vẫn hoạt động và từ năm 1954 thì thuộc sự quản lý của chính quyền mới. Từ giữa những năm 1990, nhà máy gạch bị phá bỏ để xây Khách sạn Horison, một trong các khách sạn 5 sao của Hà Nội.
Trong đồ án xây dựng khách sạn Horison, các nhà thiết kế đã từng có ý định phá hủy chiếc ống khói của nhà máy gạch. Rất may là cuối cùng công trình có có tính chất “chứng nhân lịch sử” này đã được giữ lại để làm công trình trang trí cho khách sạn.
Ngày nay, chiếc ống khói “chọc trời” một thuở trông thật nhỏ bé và giản dị bên cạnh tòa khách sạn bề thế, lộng lẫy.
Tháp nước Trung Tự
Cao 58,4m, tháp nước Trung Tự (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng năm 1976 nhằm cung cấp nước sạch cho người dân phường Trung Tự. Với chiều cao tương đương một tòa nhà 12 – 14 tầng, đây là một trong những công trình cao nhất của Hà Nội trong thập kỷ 1970-1980. Tuy nhiên, ngay từ lần thử tải đầu tiên, tháp nước đã bị nghiêng, rung, ngấm nước và phải ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Dù không hoạt động, tháp nước Trung Tự là một điểm nhấn đáng tự hào của người dân trong khu vực. Công trình cao lừng lững và có thể nhìn thấy từ rất xa này cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người Hà Nội qua nhiều thập niên.
Trải qua 35 năm không được bảo trì và sử dụng, tháp nước đã xuống cấp nghiêm trọng (nghiêng khoảng 10 độ so với phương thẳng đứng, nứt vỡ bê tông, cốt thép bị ăn mòn), trở thành mối nguy hiểm thường trực cho các hộ dân xung quanh. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tháp nước này đã được tháo dỡ hoàn toàn vào đầu năm 2012.
Khách sạn Thăng Long
Khánh thành vào giữa những năm 1980, khách sạn Thăng Long có 11 tầng với chiều cao 38m. Với chiều cao này, khách sạn đã từng giữ vị trí quán quân về chiều cao trong các tòa nhà ở Hà Nội trong nhiều năm. Vào thời điểm đó, cái tên Khách sạn Thăng Long hay “Tòa nhà 11 tầng” đã trở thành một trong những điểm nhấn mang tính biểu tượng của Hà Nội thời hậu chiến.
Tòa nhà Thăng Long cũ (bên trái)
Đến tháng 8/1992, khách sạn Thăng Long đổi tên thành khách sạn Hà Nội. 4 năm sau đó, cái tên “tòa nhà 11 tầng” đã bị xóa sổ khi khách sạn xây dựng thêm một tòa nhà 18 tầng nằm liền kề. Đây cũng là khoảng thời gian bùng nổ xây dựng ở Hà Nội, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các công trình cao tầng khác. Danh hiệu “tòa nhà cao nhất Hà Nội” lừng lẫy một thời của khách sạn Thăng Long đã nhanh chóng trở thành dĩ vãng.
Ngày nay, khách sạn Hà Nội vẫn là một trong những khách sạn cao cấp của thủ đô, với tiêu chuẩn Quốc tế 4 sao. Khách sạn đã từng đón tiếp các vị khách quốc tế quan trọng như như Thủ Tướng Nhật Murayama, Thủ Tướng Australia, Công chúa Anh, Công chúa Thái Lan, các đoàn khách của Hội nghị các nước nói tiếng Pháp (Francophonie), Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN..