Với kiến trúc Đông - Tây, dinh thự 99 cửa của gia đình Chú Hỏa không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn nhuốm màu giai thoại đi cùng nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Cách chợ Bến Thành khoảng 200 m, tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1) rộng hơn 4.000 m2 mang đầy vẻ cổ kính nằm nép mình dưới những tán cổ thụ. Căn nhà đồ sộ với kiến trúc cầu kỳ giống dinh thự của vua chúa vốn thuộc về gia đình ông Hứa Bổn Hòa (dân gian hay gọi là Chú Hỏa), một trong tứ đại gia Sài Gòn cuối thế kỷ 19.
Một phần dinh thự trong khuôn viên 4.000 m2 của Chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Ảnh: Duy Trần.
Ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) có tên tiếng Pháp là Jean Baptist Hua Bon Hoa, người gốc Minh Hương, tổ tiên sang định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Nhiều giai thoại kể lại rằng từ nghề ve chai, Chú Hỏa nhờ tài làm kinh tế đã tạo dựng cơ nghiệp với khối tài sản khổng lồ. Ông cũng được mệnh danh là “trùm” bất động sản đất Nam Kỳ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền nằm khắp Sài Gòn - Gia Định xưa. Về độ giàu có của Chú Hỏa, người Sài Gòn xếp ông vào hàng thứ tư: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Những ngày cuối đời, ông ước nguyện có một căn nhà chung cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Sau này, để thực hiện mong muốn của ông và cũng để tưởng nhớ người cha tài hoa, con cháu Chú Hỏa quyết định làm dinh thự này. Tòa nhà được xây năm 1929 và hoàn thành 5 năm sau đó do kiến trúc sư người Pháp tên Rivera thiết kế. Xây kiên cố hình chữ U, dinh thự có 4 tầng, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60 cm được trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp.
Cửa chính dẫn vào khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, khung bằng thép, trên vòm cửa có chữ cách điệu H.B.H - những ký tự viết tắt tên chủ nhân Hứa Bổn Hòa. Ngay sau cánh cửa kiểu Tây phương là đôi câu đối bằng chữ Hán. Những ô cửa sổ tròn phía trên tòa nhà có hoa văn hình chữ “vạn”.
Dinh thự của chú Hỏa là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Là sản phẩm cùa châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong được bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.
Thang máy đầu tiên của Sài Gòn thuộc về dinh thự của chú Hỏa. Ảnh: Duy Trần.
Đặc biệt, toàn bộ dinh thự có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau. “Những cánh cửa này có nhiều giai thoại lắm. Nghe nói căn nhà lúc đầu thiết kế 100 cửa lận, nhưng khi gia đình Chú Hỏa trình lên toàn quyền Đông Dương thì bị cắt đi cánh cửa chính do đụng phong thủy với dinh toàn quyền gần đó’’, chị Nguyễn Thị Lan Hương - hướng dẫn khách du lịch hơn 20 năm tại đây - cho biết.
Ngoài dinh này, gia đình Chú Hỏa còn xây khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Sài Gòn...
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển viết trong cuốn Sài Gòn năm xưa, Hứa Bổn Hòa tuy giàu có nhưng không lấn át người khác, không nâng giá, bắt chẹt người mua, thuê nhà của mình. Gia đình có nhiều con cháu nhưng luôn hòa thuận, cùng làm việc sau đó chia lợi tức nên tài sản không sứt mẻ mà ngày càng đồ sộ. Hơn mười người con của chú Hỏa đều đi du học, nhiều người sau đó định cư ở nước ngoài.
Căn nhà 99 cửa của Chú Hỏa cũng nhuốm màu liêu trai với nhiều giai thoại được thêu dệt cả thế kỷ nay. Trong đó có câu chuyện được đồn đoán nhiều nhất là “hồn ma” của con gái Chú Hỏa. Hồn ma này càng trở nên nổi tiếng và khiến nhiều người biết đến khi đạo diễn Lê Hoàng Hoa làm bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng một thời như Bạch Tuyết, Thanh Việt, Thanh Tú... Bộ phim kinh dị được sản xuất năm 1973 tuy chưa nhiều kỹ xảo nhưng gây tiếng vang lớn, tạo cơn sốt vé chưa từng thấy thời bấy giờ.
Căn nhà có rất nhiều cửa để lấy gió, ánh sáng tự nhiên. Ảnh: Duy Trần.
Theo hướng dẫn viên Lan Hương, “Con ma nhà họ Hứa” chỉ là giai thoại được thêu dệt, nhất là sau thành công quá lớn của bộ phim cùng chủ đề khiến nhiều người tin là sự thật. Một nhân viên của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố cho biết, cách đây khoảng 10 năm có con cháu Chú Hỏa về thăm lại dinh thự, nói rằng ông không có con gái nên không có chuyện hồn ma tồn tại trong căn nhà thuộc diện đẹp nhất Sài Thành.
Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa chuyển sang nước ngoài định cư, căn nhà được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Năm 1992, bảo tàng đi vào hoạt động và là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật của các thời kỳ. Bảo tàng cũng là địa điểm tổ chức các triển lãm lớn về mỹ thuật trong và ngoài nước. Hiện, nơi này mở cửa tất cả các ngày trong tuần cho khách du lịch tham quan. Trong bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật vốn là đồ dùng của gia đình Chú Hỏa.