Ngày 9-11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Ban quản lý phố cổ tổ chức buổi tọa đàm nhằm phát huy giá trị truyền thống cùng với việc đưa ra những giải pháp để bảo tồn hiệu quả.
Hội thảo đã nhận được hơn chục ý kiến trao đổi của các tiến sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia về quy hoạch, văn hóa xoay quanh việc bảo tồn kiến trúc, văn hóa, nhận diện giá trị, đề xuất mũi nhọn trong bảo tồn phố cổ.
Nói về không gian kiến trúc, ông Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, trong các giá trị văn hóa thì những tác động vào không gian đô thị cũng như kiến trúc từng ngôi nhà, luôn là yếu tố làm thay đổi hình ảnh khu phố cổ nhanh nhất và rộng khắp nhất. Vì vậy, chính quyền phường, quận phải có thái độ không khoan nhượng với những công trình sai phép, xây vượt chiều cao quy định; đồng thời từng bước có kế hoạch xử lý với những công trình vi phạm trật tự xây dựng ở phố cổ.
Nhìn nhận ở góc độ thời hội nhập, ông Hoàng Đạo Kính, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, bảo tồn phố cổ không phải đóng khung các khu nhà, dãy phố, dãy hàng như những bảo tàng ngoài trời. Mà ở đó, có không gian, có sự chuyển động, có cuộc sống sinh động.
“Chúng ta sẽ phải lựa chọn những công trình, khu nhà nào đó để bảo tồn nguyên trạng, chứ không thể cứ phố cổ là không phát triển, nên kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, đó mới chính là phát huy giá trị của phố cổ” – Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nói.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ trăn trở về việc thiếu những hạ tầng công cộng tại phố cổ. Vì thế, thành phố cũng cần quan tâm xây dựng đủ hồ sơ để làm cơ sở quản lý cũng như chỉnh trang các tuyến phố (về kiến trúc, màu sắc, vật liệu, cảnh quan, đường, dây, cây, trạm, biển quảng cáo, số nhà, các trang thiết bị kỹ thuật đô thị). Ngoài ra, cần tập trung tôn tạo tuyến phố từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Hàng Đào đến Hàng Giấy – Bốt Hàng Đậu thành trục trọng tâm của cả khu phố cổ.
Ở góc độ quản lý, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy giá trị của phố cổ. Trong đó, đáng chú ý là nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác quản lý, bảo tồn các di sản; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trao đổi về kỹ thuật, tài chính phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích, cải tạo cảnh quan và công trình kiến trúc có giá trị.