Đồng Nai sẽ là đô thị chức năng tổng hợp công nghiệp dịch vụ

 

Đồng Nai là cửa ngõ phía đông của TP.HCM, thuộc vùng Đông Nam bộ nên có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình công nghiệp dịch vụ tổng hợp, du lịch, khoa học công nghệ… Chính vì vậy trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cơ quan chức năng xác định chủ yếu phát triển 3 vùng chính là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

đồng nai, vùng Đông Nam, phát triển dịch vụ

Có diện tích tự nhiên gần 6.000km2 với 11 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện, dân số gần 3 triệu người nên đồng nai có đủ điều kiện thuận lợi để đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị dịch vụ và nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai hội đủ các yếu tố trở thành đô thị lớn thứ 2 khu vực các tỉnh phía nam. Do đó trước năm 2030, quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai xác định phát triển mô hình công nghiệp dịch vụ. Ông Lý Thành Phương – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: Đồng Nai sẽ phát triển chủ yếu ở 3 vùng, gồm vùng 1 – vùng đô thị công nghiệp trung tâm là TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần huyện Vĩnh Cửu, lấy Biên Hòa làm đô thị hạt nhân. Vùng này chủ yếu phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung, trung tâm tài chính thương mại, kho vận, đầu mối giao thông của vùng…; Vùng 2 là vùng kinh tế đối trọng phía Đông với hạt nhân là thị xã Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc. Thế mạnh của vùng này là phát triển vùng đô thị công nghiệp tập trung chuyên ngành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh, thương mại dịch vụ cấp vùng; Vùng 3 là vùng sinh thái gồm huyện Định Quán, Tân Phú và phần còn lại của huyện Vĩnh Cửu, trong đó lấy thị trấn Định Quán là đô thị hạt nhân. Vùng này có thế mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, du lịch sinh thái, cảnh quan rừng Nam Cát Tiên, ven sông Đồng Nai…

Sau năm 2030, mô hình phát triển vùng tỉnh Đồng Nai là phát triển vùng 1 thành đô thị trên cơ sở khai thác các tiềm năng thuận lợi về vị trí chiến lược chính trị kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng. Tổ chức kết nối chuỗi các đô thị hiện hữu là TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom thành một đô thị phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Hệ thống các điểm dân cư nông thôn tập trung gắn với lợi thế sản xuất nông lâm nghiệp tại các xã theo định hướng phát triển của Đồng Nai về nông nghiệp. Vùng 2 và 3 phát triển mạnh về nông nghiệp, du lịch sinh thái trên cơ sở phát triển thị xã Long Khánh thành đô thị loại II trung tâm hành chính của tỉnh. Các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú và một phần huyện Vĩnh Cửu là vùng phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp và dân cư nông thôn, đẩy mạnh phát triển nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Một phần huyện Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu là vùng bảo tồn sinh thái, bảo vệ nguồn nước, vùng cảnh quan ven sông Đồng Nai…

Đóng góp ý kiến cho quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 các cơ quan chức năng của Đồng Nai nhấn mạnh: Quy hoạch cần đảm bảo kết nối hệ thống hạ tầng của Đồng Nai với hạ tầng kỹ thuật quốc gia, tạo cơ sở cho việc quản lý đô thị và các khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu du lịch, hệ thống các công trình chuyên ngành cấp vùng phát triển hài hòa. Phân vùng đô thị và dân cư gắn với lợi thế, thế mạnh của từng vùng để phát triển, bổ sung các phân vùng đặc trưng như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch cảnh quan bảo tồn thiên nhiên, vùng nông lâm nghiệp thủy sản, phân bổ hệ thống giáo dục y tế thể thao cấp vùng…

 

TOP BÀI VIẾT

 HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN