Hoàng Thành là nơi diễn ra sự giao thoa nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong qui hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng.
Nơi giao thoa và dung hợp nhiều giá trị văn hoá khu vực và thế giới
Kinh thành Thăng Long xây dựng bên bờ sông Nhị (sông Hồng) là đầu mối của các tuyến giao thông thuỷ bộ vừa nối với mọi miền của đất nước, vừa qua sông Nhị thông với hệ thống hàng hải châu á và thế giới.
Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội cũng như Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi gặp gỡ và giao thoa của nhiều nền văn minh phương Đông
Trong số di vật tìm thấy, có tiền đồng mang niên hiệu Trung Hoa, đồ gốm sứ Trung Hoa, những mảnh bình gốm men xanh lam vùng Tây Á (gốm Islam), gốm Hizen của Nhật Bản... Thăng Long - Hà Nội đã có quan hệ giao thương với nhiều nước Đông Nam Á, Đông Á, Trung Cận Đông và từ thế kỷ 17 có quan hệ giao thương với một số nước phương Tây, thế kỷ 17 có thương điếm của Anh, Hà Lan.
Hệ giao lưu và tiếp nhận ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc và ấn Độ. Nhiều giá trị mang ý nghĩa toàn cầu của văn minh Trung Hoa, ấn Độ đã được biểu thị rất rõ trong kiến tạo kinh đô, nghệ thuật kiến trúc xây dựng của khu di tích. Nhưng các giá trị bên ngoài luôn luôn được tiếp nhận và kết hợp với những giá trị nội sinh, tạo nên những giá trị mang tính hỗn dung và vận dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất kinh kỳ, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hoá của dân tộc.
Vùng đất Thăng Long - Hà Nội có nhiều sông hồ và nét đặc trưng nổi bật về cảnh quan thiên nhiên của kinh thành là một đô thị sông hồ. Việt Nam sớm tiếp thu thuyết phong thuỷ vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng vận dụng theo điều kiện thiên nhiên cụ thể của từng vùng. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái tổ nói rõ thế đất định đô theo quan niệm phong thuỷ “ở giữa khu vực trời đất, được thế đất Rồng cuộn Hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hính thế nhìn sông tựa núi”.
Đó là thế đất thiêng của đô thành đế vương “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, Thanh Long ở đây là dòng sông Nhị bao quanh phía tả tức phía Đông và Bạch Hổ là núi Tản che chở phía hữu tức phía Tây. Trung tâm của kinh thành lại có núi Nùng được coi là Rốn Rồng (Long Đỗ), nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước, có đường thông với Trời Đất. Chính đó là tâm điểm của Cấm thành, nơi xây dựng điện Càn Nguyên/ Thiên An/ Kính Thiên làm nơi thiết triều và cử hành các nghi lễ trọng thể bậc nhất của triều đình mà vua là người đại diện cho Trời - Đất - Người, “thông Thiên, đạt Địa, tri Nhân”.
Ba vòng thành Thăng Long vừa dựa vào thế đất phong thuỷ đó, vừa tận dụng địa hình sông - hồ vốn có của khu kinh thành. Thành Đại La hay La Thành bao bọc vòng ngoài, dựa vào sông Nhị phía Đông, sông Tô Lịch phía Bắc và Tây, sông Kim Ngưu phía Nam. Sông được tận dụng làm hào tự nhiên, làm hệ thống giao thông và thoát nước. La thành vừa là luỹ phòng vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt và sau này nhân dân sử dụng làm đường đi.
Cho đến nay, di tích của đoạn La Thành còn được dân gian gọi là “đường đê La Thành” nói lên chức năng kết hợp thành - đê - đường của vòng thành này. Vòng thành giữa thời Lý, Trần gọi là Long thành, Phượng thành hay Long Phượng thành, thời Lê gọi là Hoàng thành là vòng thành quan trọng bảo vệ nơi làm việc của nhiều cơ quan trung ương, của quan chức cao cấp, nơi thưởng ngoạn của hoàng gia, quý tộc... Vòng thành này có thành và hào, cũng xây dựng trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên, sông hồ và gò đất cao.
Vì vậy hai vòng thành ngoài và giữa, được thiết kế và xây dựng không cần theo hình dáng cân xứng, đăng đối mà theo một quan niệm phong thuỷ cởi mở, lấy sự tiện lợi, vững chắc, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên làm yêu cầu hàng đầu. Các kinh thành Việt Nam trước đó như thành Cổ Loa (Hà Nội), thành Hoa Lư (Ninh Bình) cũng biểu thị đặc điểm có tính truyền thống này.
Chỉ có Cấm thành xây dựng tương đối vuông vắn, nhưng qui mô chỉ vừa đủ bảo vệ bộ máy đầu não của vương triều cùng sự an toàn của nhà vua và hoàng gia, xung quanh không có thành cao hào sâu mà chỉ có tường thành được bảo vệ và canh giữ nghiêm ngặt. Trục trung tâm của Cấm thành và qui hoạch chung của Hoàng thành vẫn tuân thủ nguyên tắc phong thuỷ lấy hướng Nam làm hướng chính, các công trình tiêu biểu đều hướng về phía Nam.
Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Việt Nam đã tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ các thuyền buôn ấn Độ. Sau đó, nhất là từ thời Đường, Phật giáo từ Trung Quốc truyền bá mạnh vào Việt Nam. Trong thời Lý, đầu Trần, Phật giáo thịnh đạt, phổ biến rộng rãi trong xã hội và ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ đời sống văn hoá của người Việt, từ vua quan, quý tộc đến các tầng lớp xã hội. Phần lớn các vua thời Lý, Trần đều tôn sùng đạo Phật, bỏ nhiều tiền của xây chùa tháp và cúng ruộng cho chùa.
Vua Trần Nhân Tông còn sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và trở thành một Phật Hoàng, một Vua - Phật được nhân dân rất sùng bái. Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu phản ánh ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hình ảnh tháp Phật cao 7 tầng, 9 tầng cùng nhiều mô hình tháp Phật bằng đất nung hay sứ trắng trong tầng văn hoá Lý, Trần.
Một viên gạch có chữ “Hưng Hoá thiền tự” của một ngôi chùa Hưng Hoá nào đó chưa xác định được vị trí. Đặc biệt dấu ấn nghệ thuật Phật giáo qua hình lá đề, hoa sen tìm thấy trong các di tích kiến trúc cung điện thời Lý, Trần trên khắp khu di tích. Trong hình lá đề thường chạm hình rồng, phượng, tháp Phật. Hình hoa sen, cánh sen là kiểu trang trí khá phổ biến trên đầu ngói ống, đá chân tảng kê cột nhà...