Bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc: Chạm vào phần lõi di sản

không gian,văn hoá,kiến trúc,di sản

Đình Chu Quyến hài hòa trong khung cảnh làng quê (Nguồn: Ashui.com)

 

Trong quá trình trùng tu di tích không chỉ cần giữ gìn từng bức chạm lộng, viên ngói rêu phong. Không gian văn hóa - kiến trúc của di sản cũng là đối tượng mà việc bảo tồn phải chú ý, nếu không sẽ dẫn tới “thảm họa trùng tu”.

Giữ lại những gì tích tụ qua thời gian

Sau khi đình Chu Quyến ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội hoàn thành trùng tu (dự án từng đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế khu vực châu Á) và đưa vào sử dụng trở lại, một cụ cao tuổi trong làng vui sướng ôm chầm lấy cây cột đình đã gắn bó bao năm - KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhớ lại. Viện Bảo tồn di tích là đơn vị thực hiện công trình này năm 2008. Việc hạ giải rất tốn công, dỡ mái do thợ cả (bậc 5) thực hiện, từng viên ngói được truyền tay nhau đặt vào xe đẩy có lót rơm. Những cột cũ dù bị mối mọt nhưng không bỏ đi, dù phải thay cốt, gắn vá từng vết nứt, để giữ được dấu ấn lịch sử, thời gian. Theo KTS Lê Thành Vinh, “dự án trùng tu này thành công không phải chỉ do tháo dỡ, lắp dựng theo công nghệ truyền thống. Quan trọng là đơn vị trùng tu giữ được những gì tích tụ qua thời gian, giúp chúng trở nên bền vững, đưa di tích trở về cái vốn có, hài hòa trong khung cảnh chung của làng quê và gắn bó với con người”.

Qua nghiên cứu và tham gia trùng tu nhiều di tích, KTS Lê Thành Vinh cho rằng, thực tế không phải chỉ cần giữ gìn những bức chạm, từng viên ngói rêu phong, bởi đó mới chỉ là phần kiến trúc. Không gian văn hóa - kiến trúc của di sản cũng là đối tượng mà ngành bảo tồn cần chú ý - đây là những thực thể được tạo lập và định hình trong quá trình hình thành, tồn tại, gắn với các hoạt động chức năng của công trình. Không gian văn hóa - kiến trúc gồm 3 yếu tố: cấu trúc không gian (định vị không gian, theo minh triết Á Đông, đây được coi phần hình), nội thất trang trí (bài trí theo mục đích, phần lý), hoạt động chức năng (vận hành sử dụng, phần khí); làm nên đặc trưng và giá trị riêng biệt của di sản. Cùng một mặt bằng nhà truyền thống với cột, kèo, nếu sử dụng làm đình, đền, hay chùa, việc bài trí sắp xếp, hệ thống thờ tự sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, không gian này còn thay đổi theo thời gian, đặc biệt khi có và không có các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng diễn ra.

Cấy ghép hợp lý

Không gian văn hóa kiến trúc là sự cộng hưởng hình, lý, khí. Về cảm quan trực giác, cả hai phần hình, lý là hữu hình; phần khí - hồn cốt của không gian này lại vô hình. Hữu hình và vô hình, vật thể và phi vật thể gắn bó hữu cơ với nhau, và thường cái vô hình gắn với câu chuyện văn hóa, tín ngưỡng. Do vậy, khi trùng tu, cần tiếp cận toàn diện mới hy vọng chạm được phần lõi của di sản. Tuy nhiên, theo KTS Lê Thành Vinh, việc trùng tu di tích hiện nay lại thường tách bạch giữa cái hữu hình và vô hình, di sản phi vật thể và di sản vật thể. Thực tế, do không nhận diện được không gian văn hóa - kiến trúc, nên đã có một số thảm họa trùng tu. Ví dụ, một số khu di tích được phục dựng nhưng thực chất là xây mới toàn bộ trên nền phế tích. Các khu di tích này gồm nhiều tòa nhà, chưa nói đến công trình phục dựng chưa có căn cứ, mà bài trí nội thất là vấn đề nan giải, khó tạo ra không gian liên quan đến lịch sử, văn hóa. Có di tích được trùng tu nhưng khi hoàn thành lại không tương thích, phá vỡ cảnh quan xung quanh. Điều đó không chỉ xảy ra ở các di tích nhỏ, mà cả di tích tầm quốc gia…

Khi đặt một vật thể mới bên cạnh vật thể đã tồn tại, thì phải có sự kết nối, bởi rất có thể nó không được chấp nhận bên cạnh công trình đã tích tụ văn hóa dày đặc, thể hiện ở việc công trình trở nên xa lạ với đời sống con người xung quanh.PGS.TS. Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Trùng tu di tích để phục vụ nhu cầu của đời sống hiện đại là cần thiết, nhưng đơn vị thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố về văn hóa và kiến trúc. Ví dụ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội hiện nay là tổng thể hài hòa, nhưng nếu bóc tách, không cái nào cùng thời với cái nào, gần nhất là nhà Thái Học dựng năm 2000 và không dựa trên chi tiết cổ. “Việc cấy ghép phải được thực hiện một cách hợp lý, để thực thể sống ấy chấp nhận mới có thể tồn tại. Điều đó cho thấy, với hoạt động trùng tu, sự tiếp nối, phát triển nhuần nhuyễn rất quan trọng, để không phá vỡ không gian vốn có. Và nhận diện được không gian văn hóa - kiến trúc một cách đầy đủ sẽ góp phần giúp di sản được bảo tồn tốt nhất” - KTS Lê Thành Vinh nói.

 

TOP BÀI VIẾT

 HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN