Chưa khi nào câu chuyện về cái loa phường lại được bàn luận sôi nổi như những ngày qua, sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo ngành chức năng xem xét việc tồn tại loa phường trong điều kiện hiện nay của Thủ đô. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, kể cả tranh luận nảy lửa trên mặt báo, trên mạng xã hội, Faebook… rồi cả việc Sở TT&TT Hà Nội tổ chức lấy ý kiến người dân “nên giữ hay bỏ loa phường” trên trang thông tin điện tử?! Vậy số phận cái loa phường thế nào, tồn tại hay không tồn tại, tất cả còn đang chờ quyết định của lãnh đạo TP?!
Những đóng góp của loa phường trong xã hội xứng đáng được vinh danh, được ghi nhận. Nhưng để níu giữ loa phường, một công cụ truyền thông lạc hậu, không phù hợp với thời kỳ phát triển mới, hội nhập và hiện đại hóa thì không nên.
1. Loa phường có tự bao giờ, tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc chắn vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội đã có loa phường ở nội thành rồi. Thời đó đất nước còn nghèo lắm, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, lại vừa chi viện cho miền Nam ruột thịt tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Người dân Hà Nội lúc ấy chỉ biết đến loa truyền thanh và cái loa phường. Hầu như nhà nào cũng đều mắc loa truyền thanh. Còn loa phường thì treo trên cột điện, dây dợ lằng nhằng, đều đặn ngày hai lần phát vào trưa và chiều những tin tức hoạt động của phường, như từ thời gian, địa điểm tiêm phòng cho trẻ em, phát lương hưu… cho đến khám tuyển nghĩa vụ quân sự và các chủ trương, chính sách mới ban hành của Đảng và Nhà nước, của quận, của TP, vận động bà con trong phường đi bầu cử đầy đủ… Khi Mỹ mở rộng chiến tranh ném bom miền Bắc và Hà Nội, thì loa phường lại làm nhiệm vụ báo động cho bà con biết để kịp chạy xuống hầm trú ẩn. Cho đến tận bây giờ, dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn khắc khoải mỗi khi nhớ lại tiếng phát thanh viên giục giã, khẩn thiết “Đây là đài truyền thanh phường…! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội… cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Bà con nhanh chóng xuống hầm trú ẩn!”. Cứ thế, cái loa phường gắn bó với đời sống thường nhật của người dân Hà Nội. Mấy chục năm ăn theo tem phiếu, nghe theo loa phường là thế!
Ngày trước, nhà cửa không chật chội, cư dân không đông đúc đến nghẹt thở như bây giờ. Xe cộ thì thưa thớt, tiện nghi cuộc sống thiếu thốn đến mức đơn giản. Tivi phải tới sau giải phóng miền Nam mới có, mà cũng hiếm lắm. Vì thế, mấy chục năm đã qua, cái loa phường cũ kỹ, ngày ngày cần mẫn phát ra những âm thanh rè rè, lúc to đến chối tai những nhà ở gần và khi lại tậm tịt, tiếng lúc tròn lúc méo, rồi cả nói ngọng “N thành L” nghe mà buồn cười và cả bực mình… đã trở nên thân thuộc, thậm chí thi thoảng vì mất điện hay vì lý do nào đó mà không nghe thấy tiếng loa phường lại nhơ nhớ, như thấy thiêu thiếu một cái gì trong đời sống thường nhật. Thế nhưng, cũng có bao chuyện bi hài diễn ra quanh cái loa phường!
2. Hình như trong quản lý đô thị người ta quên quy hoạch loa phường thì phải. Như tiêu chuẩn một phường thì cần bao nhiêu loa, tính theo dân số, diện tích hành chính… Rồi quy hoạch vị trí đặt loa phường để làm sao khả năng lan truyền âm thanh tốt nhất, đều nhất và đặc biệt là hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân sống cạnh vị trí treo loa phường. Chuyện này tưởng đơn giản mà không phải như vậy. Chả thế mà đã có chuyện, nhà này có đám tang, gia chủ đang khóc lóc tiếc thương người thân quá cố, thì cái loa phường treo ngay cột điện trước cửa nhà hồn nhiên rộn ràng phát ca khúc “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Hay nhà có con nhỏ mới sinh chưa đầy tháng, bé đang thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình kêu thét lên bởi tiếng loa phường đến giờ làm nhiệm vụ?! Rất nhiều chuyện cười ra nước mắt quanh cái loa phường.
Năm tháng trôi đi, cuộc sống ngày hôm nay đã khác xa cái thời xưa chiến tranh, bao cấp cực nhọc, khốn khó. Ngày hôm nay là ngày của công nghệ thông tin, của Internet, của báo điện tử, của Facebook, của kỹ thuật số, điện thoại thông minh… Trẻ con bây giờ vào mạng nhoay nhoáy. Rất nhiều người già cũng thành thạo sử dụng Internet, Facebook. Nhà nào cũng có tivi, có nhà không chỉ một chiếc mà có vài ba chiếc để xem cho thuận tiện. Cái sự văn minh, hiện đại của ngày hôm nay đã cho thấy cái lạc hậu của loa phường thời bao cấp đến thế nào. Chưa kể đến mỗi năm TP phải tốn vài trăm triệu cho mỗi phường để nuôi hệ thống loa này, mà không kể cấp xã, thì Hà Nội có đến 177 phường. Cứ thế nhân lên, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi nhiều trăm tỷ đồng cho những cái loa phường cũ kỹ, rè rè lạc hậu.
3. Vậy loa phường còn tồn tại hay không tồn tại? Câu hỏi này cần một sự trả lời quyết đoán và đúng đắn của người đứng đầu TP. Không thể phủ nhận vai trò và vị trí loa phường trong những năm qua. Loa phường đã làm tròn trách nhiệm chính trị của mình và đóng góp hiệu quả vào công tác truyền thông trong một giai đoạn khó khăn nhất của cả nước. Lịch sử ngành TT&TT Việt Nam không thể thiếu sự hiện diện của “Loa phường”. Đó là một thực tế!
Cuộc sống luôn thay đổi và phát triển. Cái mới tốt hơn sẽ thay thế cái cũ kỹ lạc hậu. Đó là quy luật. Những đóng góp của loa phường trong xã hội xứng đáng được vinh danh, được ghi nhận. Nhưng để níu giữ loa phường, một công cụ truyền thông lạc hậu, không phù hợp với thời kỳ phát triển mới, hội nhập và hiện đại hóa thì không nên. Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Có rất nhiều sự lựa chọn để làm tốt công tác truyền thông hiệu quả, kinh tế hơn hệ thống loa phường. Tuy nhiên, theo tôi, Hà Nội là thành phố lớn, dân đông, lại phân bố không đều, vì thế cấp xã rất cần có hệ thống loa truyền thanh. Còn nội đô, trước mắt 4 quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa chấm dứt hoàn toàn hoạt động của loa phường. Các quận còn lại thì tùy theo điều kiện thực tế địa bàn để duy trì loa phường. Nhưng một điều rất quan trọng là phải thay hoàn toàn thiết bị loa dây hiện nay bằng loại loa không dây và nâng cao chất lượng nội dung phát thanh sao cho hấp dẫn, phong phú, thông tin chọn lọc để người dân dễ nhớ, dễ hiểu. Từ trước đến nay, hệ thống hành chính cấp phường, xã của chúng ta rất phức tạp. Ngoài Đảng ủy, UBND thì còn các tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Thanh thiếu niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, rồi còn dân phòng, tổ trưởng dân phố… Tất cả cùng tham gia vào công tác giáo dục, vận động và tuyên truyền chính trị cho người dân trong địa bàn. Vì thế bỏ loa phường cũng không ảnh hưởng đến hoạt động truyền thông này.
Bác Hồ đã từng dạy “Tuyên truyền là đem một việc gì để nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” (Hồ Chí Minh tuyển tập). Vì thế, chuyện giữ hay bỏ hệ thống loa phường cũng không ngoài mục tiêu là làm sao cho công tác tuyên truyền xã hội được tốt hơn, hiệu quả hơn, văn minh hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và được nhân dân đón nhận.